Đề xuất điều chỉnh nhiều quy định để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động mỹ thuật

Hoạt động mỹ thuật hiện nay đang được quản lý Nghị định số 113/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Sau hơn 10 năm, đến nay, nhiều quy định tại Nghị định này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đây là khẳng định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị bổ sung một số điều tại Nghị định 113.

Thực tế, do sự phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng, các công trình văn hóa đặc thù như trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời, tranh tường (bích họa) 3D tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, khu du lịch, kinh doanh dịch vụ của tư nhân ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều công trình phản thẩm mỹ, gây bức xúc dư luận xã hội, trong đó có tượng 12 con giáp tại Hòn Dáu, Hải Phòng; tượng nữ thần tự do, tượng nhân vật hoạt hình Elsa tại Lào Cai…

Tại các địa phương hiện nay, các công trình mỹ thuật ngoài trời mang tính chất đặc thù như điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật… đặt tại các địa điểm công cộng do tư nhân quản lý được xây dựng tự phát, không có sự kiểm soát nội dung của cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương. Lý do là trong văn bản quản lý nhà nước về hoạt động mỹ thuật chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực này nhằm giúp địa phương có hành lang pháp lý để quản lý, kiểm soát nội dung các công trình mỹ thuật đặc thù trước khi công bố đến với công chúng.

Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, hiện nay, nhiều vấn đề trong thực tiễn hoạt động mỹ thuật phát sinh nhưng chưa quy định hoặc chưa cụ thể. Cụ thể, hiện nay, việc ứng dụng các sản phẩm mỹ thuật trong đời sống đã phát triển cả về chất và lượng nhưng quy định về tác phẩm mỹ thuật tại Nghị định 113/NĐ-CP chưa bao quát nội dung mỹ thuật ứng dụng. Hoạt động giám định tác phẩm mỹ thuật còn nhiều hạn chế. Giám định tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực mới, thiếu kinh nghiệm và máy móc trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ nên gặp khó khăn trong thực hiện.

Tình trạng vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật, tranh sao chép không đúng quy định, tranh mạo danh, tranh nhái xuất hiện ngày càng nhiều làm ảnh hưởng lòng tin đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam và gây bức xúc cho tác giả nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về mỹ thuật còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều công việc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao chưa có biên chế chuyên trách quản lý mỹ thuật, đa số bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Việc phân bổ kinh phí cho hoạt động mỹ thuật và triển lãm mỹ thuật còn rất hạn chế so với nhu cầu và ít được quan tâm như các lĩnh vực nghệ thuật khác. Hoạt động mỹ thuật gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhà triển lãm để tổ chức các sự kiện mỹ thuật; thiếu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trưng bày, triển lãm để nâng cao hiệu quả, tạo sự mới mẻ, đáp ứng xu hướng của quốc tế…

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, trong hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam hiện nay, việc xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng còn ý kiến nhiều chiều. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Chính phủ, xin tiếp tục nghiên cứu, nắm bắt thị trường mỹ thuật trong nước, sưu tầm, khảo sát hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động mỹ thuật của các quốc gia có thị trường mỹ thuật phát triển, lập hồ sơ xây dựng Luật Mỹ thuật trình Chính phủ vào thời điểm phù hợp.

Bộ đang thực hiện lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội về hoạt động mỹ thuật. Hồ sơ dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đến ngày 30/1. Nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tác phẩm, công trình mỹ thuật, giải thích khái niệm các loại hình nghệ thuật (nghệ thuật đương đại, tác phẩm mỹ thuật có nội dung tôn giáo, tác phẩm mỹ thuật trong khuôn viên, mỹ thuật ứng dụng, triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng…).

Nghị định cũng sẽ bổ sung nội dung quy định về triển lãm mỹ thuật trực tuyến trên không gian mạng internet; bổ sung khái niệm về “mỹ thuật ứng dụng”; bổ sung quy định về việc xây dựng công trình mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật…) đặt ngoài trời tại các địa điểm công cộng.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, mỹ thuật hiện nay là lĩnh vực nằm trong tầm nhìn của ngành công nghiệp văn hóa. Việc bổ sung các nội dung nêu trên trong nghị định sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật ứng dụng, qua đó tạo ra những lợi ích kinh tế và việc làm cho cộng đồng. Đây cũng là việc cần thiết nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

N.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/de-xuat-dieu-chinh-nhieu-quy-dinh-de-thao-go-vuong-mac-trong-hoat-dong-my-thuat-i721561/