Đề xuất điều chỉnh phương án phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, điều chỉnh phương án phân luồng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Cục Đường bộ VN có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo về kết quả tổ chức phân luồng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong hơn 4 tháng qua.

Cục Đường bộ VN cho biết, sau khi thực hiện phân luồng xe khách giường nằm, xe tải từ 6 trục không lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, về cơ bản, giao thông trên QL1 và cao tốc Cam lộ - La Sơn đảm bảo thông suốt, không ùn ứ kéo dài.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh internet).

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Ảnh internet).

Lưu lượng giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ còn 48% so với thiết kế, giảm nhiều so với trước phân luồng.

Điều này nâng cao năng lực thông hành, kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giảm 56% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, QL1 qua TP Đông Hà (Quảng Trị) chưa có tuyến tránh, TNGT diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí. Trong đó số vụ có liên quan đến xe tải từ 6 trục và xe khách trên 30 chỗ chiếm 1/4 về tổng số vụ.

Ngoài ra, theo phản ánh của Công an huyện Triệu Phong (Quảng Trị), các phương tiện, trong đó có xe tải nặng thường xuyên đi vào đường tỉnh 589 để né tránh trạm thu phí BOT Trường Thịnh trên quốc lộ 1, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Theo Cục Đường bộ VN, các cơ quan, ban ngành ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đưa ra nhiều phương án phân luồng để đảm bảo khai thác hiệu quả cao tốc, đồng thời kéo giảm tai nạn giao thông ở quốc lộ 1. Bên cạnh đó, CSGT Quảng Trị đề xuất không phân luồng giao thông để giảm áp lực và đảm bảo ATGT trên QL1.

Sở GTVT, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh lại phương án phân luồng, điều tiết một số phương tiện lên lại cao tốc cho phù hợp để giảm áp lực và đảm bảo an toàn giao thông trên QL1.

Trong khi đó, Cục CSGT và công an cấp huyện của tỉnh Thừa Thiên Huế có ý kiến điều tiết xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm lên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đảm bảo tốc độ khai thác tối thiểu trên đường cao tốc, không ảnh hưởng đến năng lực thông hành.

Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề xuất 4 phương án, gồm hoán đổi xe tải nặng lên cao tốc, còn xe con về quốc lộ 1, đưa xe tải từ 6 trục lên cao tốc, không phân luồng để người dân và doanh nghiệp tự chọn lộ trình, phân luồng theo ngày chẵn lẻ.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lưu ý từ quý I/2025 thi công mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nên phải điều tiết thêm một số loại phương tiện xuống QL1.

Trên cơ sở số liệu sau phân luồng, kết hợp với điều kiện tự nhiên ở khu vực cao tốc này đi qua, Cục Đường bộ VN kiến nghị Bộ GTVT cho phép lựa chọn tư vấn để nghiên cứu, điều chỉnh phương án phân luồng giao thông phù hợp nhằm đảm bảo ATGT, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tư vấn được chọn có trách nhiệm khảo sát, lập phương án để dự kiến triển khai trong tháng 8.

Tháng 6/2024, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2025.
Theo đó, cao tốc Cam Lộ - La Sơn được đề xuất mở rộng toàn tuyến với chiều dài 98,3km (đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 36,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 62km).
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện có 2 làn xe (nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m) sẽ được mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh (nền đường rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m).
Các đoạn đã được đầu tư nền đường rộng 23,25m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 7.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-dieu-chinh-phuong-an-phan-luong-cao-toc-cam-lo-la-son-192240723153900272.htm