Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu 15 ngày/lần
Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không tham gia sâu vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định, với thời gian 15 ngày/lần.
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu.
Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, "Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp", Bộ Công Thương đánh giá.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, dự thảo mới sẽ tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế...
Từ đó, doanh nghiệp đầu mối sẽ tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán của doanh nghiệp không được cao hơn giá tối đa theo công thức quy định. Sau khi công bố, doanh nghiệp thông báo giá bán cho cơ quan Nhà nước để giám sát.
Theo Bộ Công Thương, giá bán xăng dầu tối đa bằng giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ giá ngoại tệ cộng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, cộng tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, các loại thuế kể trên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.
Trường hợp tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.
Lý giải đề xuất này, Bộ Công Thương cho rằng xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường và tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
"Theo phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân được giảm bớt, đây là cải cách trong tính toán giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí", cơ quan soạn thảo phân tích.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của doanh nghiệp.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo trên là Quỹ Bình ổn, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục được duy trì. Mặc dù việc vận hành quỹ phát sinh bất cập, tuy nhiên, trên cơ sở Luật Giá, dự thảo đưa ra phương án là nghị định mới sẽ quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ.