Đề xuất đưa Kỹ thuật Sơn mài, Khảm trai vào nhóm nghề đặc thù
Người học nghề thủ công vẫn chọn kiểu làm theo, bắt chước, 'cha truyền con nối' tại các cơ sở sản xuất thay vì đến trường học.
Là một trong những nghề thủ công truyền thống, thế nhưng, hiện Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai lại không phải nghề được nhiều người học quan tâm lựa chọn. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện cả nước chỉ có 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề này là Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản, Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định.
Không còn nhiều người học "mặn mà" với nghề thủ công truyền thống
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Cù Xuân Liệu – Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng (Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định) cho hay, nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai thực chất là phức hợp từ nghề Sơn mài và nghề Khảm trai.
Theo thầy Liệu, đây vốn là nghề thủ công truyền thống được phát triển rải rác ở nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam, mang đậm tính nghệ thuật và có ý nghĩa lớn trong việc duy trì, phát triển bản sắc văn hóa nghệ thuật của dân tộc ta.
Từ xa xưa, nghề này đã để lại những sản phẩm có giá trị cao trong nghệ thuật trang trí với nội dung phản ánh về mọi mặt của cuộc sống đương thời. Ngày nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của con người nâng lên rõ rệt, các giá trị nghệ thuật dân gian nói chung và giá trị từ các sản phẩm được làm từ sơn mài và khảm trai lại càng được trân trọng và có chỗ đứng trong nền nghệ thuật cũng như mang lại nguồn thu nhập cho những người làm nghề.
Vì vậy, có thể nói, nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai có một sứ mệnh rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và góp phần thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thầy Liệu cho hay, trước bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với đa dạng các loại hình kinh tế như hiện nay, nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai cũng được cải tiến, phát triển theo hướng công nghệ cao.
Tuy nhiên, quy mô nghề vẫn chỉ phát triển dưới dạng vừa và nhỏ, lao động chủ yếu tập trung ở các cơ sở sản xuất nhỏ và doanh nghiệp vừa. Chính vì vậy, lao động thuộc nghề sau khi tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo vẫn khó có cơ hội việc làm ổn định, chủ yếu là tự phát triển kinh doanh nhỏ lẻ, hoặc làm trong các cơ sở làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, thầy Liệu cho biết thêm, mức thu nhập đối với lao động nghề này cũng tùy theo trình độ, năng lực, thường vào khoảng từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Cũng theo thầy Liệu, đối với nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai, đòi hỏi người học cần có kiến thức, năng khiếu về mỹ thuật cũng như sự yêu mến các sản phẩm của nghề. Hơn nữa, cần có tầm nhìn, định hướng phát triển nghề, phải biết bỏ qua cái gọi là “ăn xổi, ở thì” chạy theo đi làm công nhân, lao động tại các doanh nghiệp, làm các công việc có thu nhập ngay, không qua đào tạo.
Thầy Liệu cho hay, Trường Cao đẳng xây dựng Nam Định đã tổ chức đào tạo nghề Khảm trai từ những năm 1986. Đến năm 2003, trường đã tổ chức đào tạo nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai. Hàng năm, nhà trường thường đăng ký khoảng 30 - 50 chỉ tiêu tuyển sinh cho nghề này.
Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự phát triển của các nghề khác có quy mô, có thu nhập trực tiếp, thời gian tiếp cận công việc nhanh nên nghề Kỹ thuật Sơn mài, khảm trai hiện rất khó tuyển đủ chỉ tiêu đã đề ra.
Trên thực tế, người học nghề thường học trực tiếp luôn tại các cơ sở sản xuất theo kiểu truyền nghề, “cha truyền con nối” hay làm theo, bắt chước chứ không được trang bị đầy đủ phương pháp đào tạo một cách khoa học bởi không muốn chi trả chi phí đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học tập.
Có thể thấy rằng, việc làm không qua đào tạo trong xã hội ngày càng đa dạng, lao động chỉ cần qua bổ túc một thời gian ngắn là có thể vào sản xuất có thu nhập. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tuyển học sinh học nghề nói chung và nghề sơn mài, khảm trai nói riêng.
Tuy nhiên, theo thầy Liệu, hiện nhà trường đang đào tạo bằng hình thức liên kết với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để cùng phối hợp đào tạo nghề, nhằm trang bị cho người học cơ sở, phương pháp thực hiện kỹ năng nghề một cách bài bản và giúp cho các em giảm thiểu được chi phí khi tham gia học.
Bên cạnh đó, khoa có đội ngũ giảng viên với trình độ tay nghề cao, đảm bảo cho công tác giảng dạy nghề Kỹ thuật Sơn mài, Khảm trai.
Cụ thể, đội ngũ giảng viên của khoa hiện có 02 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu năm 2017, có 04 giảng viên là cử nhân, thạc sĩ nghệ thuật cơ hữu để giảng dạy cho nghề.
Thế nhưng, do số học viên, sinh viên về trường học nghề này trong những năm gần đây không đạt được chỉ tiêu, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo nghề.
Cũng như nhiều nghề khác, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển hiện nay, một số công đoạn gia công trong nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai được trang bị những thiết bị công nghệ công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nhà trường chưa được đầu tư những thiết bị này, đó là một khó khăn không nhỏ trong việc tuyển sinh cho trường.
Đồng tình với thực trạng tuyển sinh trên, thầy Nguyễn Đức Thạnh – Trưởng phòng Tuyển sinh và Hỗ trợ việc làm (Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam) cho biết, trường có lợi thế là rất gần với các làng nghề truyền thống nên sau khi tốt nghiệp, nếu người học nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai có nhu cầu đều được trường hỗ trợ để có việc làm ngay. Tuy nhiên, việc tuyển sinh nghề này lại khá khó khăn.
Theo thầy Thạnh, hai năm trở lại đây, trường không thu hút được người học nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai theo hệ trung cấp, cao đẳng chính quy. Điều này được thể hiện rõ qua các kênh tuyển sinh của nhà trường thường chỉ có khoảng 1, 2 người quan tâm đến nghề học này.
Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, thầy Thạnh cho hay, đối với những ngành nghề truyền thống, người học hiện nay chỉ muốn học các kỹ năng về nghề rồi sớm đi làm và có lương luôn. Do vậy, thường họ chỉ chọn học chương trình đào tạo ngắn hạn tại trường hoặc học trực tiếp luôn tại các làng nghề, xưởng sản xuất.
Đáng nói, hầu hết những người học chương trình đào tạo sơ cấp ngắn hạn đối với nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai của trường đều là những người cần phải có chứng chỉ để nộp cho các công ty, doanh nghiệp.
Không những vậy, theo xu thế chung, hầu hết các bạn học sinh hiện nay sau khi tốt nghiệp cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đều lựa chọn theo học những ngành nghề hot như thẩm mỹ, marketing, thương mại điện tử, công nghệ,…
Cần có chính sách quan tâm, đầu tư trang thiết bị cho đào tạo nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai
Trong khi đó, theo cô Lê Thị Ngọc – Phó trưởng khoa Khảm trai (Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản) cho hay, nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai được trường tuyển sinh hàng năm đều đảm bảo chỉ tiêu được giao với nhiều cách thức đào tạo là đào tạo trung cấp, cao đẳng chính quy tại trường, tại các cơ sở liên kết; đào tạo các khóa sơ cấp ngắn hạn dưới 3 tháng.
Khác với trước đây là làm 100% bằng thủ công, hiện tại, việc học cũng như làm nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai đã đỡ vất vả, nặng nhọc hơn do các công đoạn đã được kết hợp với cả máy móc.
Hơn nữa, nghề này còn có lợi thế là có thể tận dụng để làm ra sản phẩm từ những nguyên liệu tự nhiên như từ vỏ trứng, vỏ trai, ốc, cật tre,… nên rất thuận lợi cho người học khi lựa chọn, theo đuổi.
Không những vậy, hiện cũng có rất ít trường đào tạo nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai nên các học viên, sinh viên của trường sau tốt nghiệp ra trường cũng không phải chịu nhiều sự cạnh tranh khi tham gia tuyển dụng.
Tuy nhiên, khoa vẫn gặp phải khó khăn khi tuyển sinh nghề này bởi ngày càng có nhiều nghề mới được mở ra, trừ những em có đam mê, đa số người học hiện nay thường rất ngại chọn những những ngành nghề học thủ công. Thay vào đó, họ muốn học và làm những nghề được ngồi văn phòng, máy tính cho “sang” như nghề tin học, quản trị mạng máy tính hay công nghệ thông tin,...
Cũng theo cô Ngọc, Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai là một trong những nghề thủ công truyền thống, mang đến những sản phẩm mỹ nghệ thể hiện nét đẹp trong văn hóa dân tộc của nước ta. Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề này vẫn luôn được các Bộ, ban, ngành quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Do đó, việc lưu giữ đào tạo những nghề học như vậy là trách nhiệm rất lớn của nhà trường. Để làm được việc này, đối với những học viên, sinh viên có tay nghề giỏi, khoa cũng như nhà trường thường có định hướng, khuyến khích các em học nâng cao trình độ để về giảng dạy tại trường hoặc tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo ngành tương tự.
Mặt khác, đây cũng là một nghề thủ công truyền thống đòi hỏi người học và làm phải bỏ nhiều công sức cũng như sự tỉ mỉ, kiên trì. Do vậy, cô Ngọc bày tỏ, nghề học này thường phù hợp và được nhiều bạn nữ lựa chọn hơn so với nam giới.
Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai, người học chủ yếu làm việc tại các làng nghề truyền thống hoặc tại các công ty, doanh nghiệp tư nhân sản xuất sản phẩm mỹ nghệ hoặc tự tổ chức, khởi nghiệp.
Có thể thấy rằng, cơ hội việc làm của nghề này là không mấy rộng mở bởi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước với các sản phẩm sơn mài, khảm trai đang có phần suy giảm hơn so với trước kia.
Bởi, đứng trước sự xuất hiện ngày càng nhiều từ sản phẩm trang trí bằng các chất liệu khác nhau với chi phí tiết kiệm do dễ dàng sử dụng máy móc, những sản phẩm mỹ nghệ làm từ sơn mài, khảm trai vốn có giá thành không rẻ vì phần lớn phải làm thủ công sẽ khó cạnh tranh được.
Thực tế, tại Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản, tỉ lệ người học nghề này sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm thường rơi vào khoảng 60-70%.
Ngoài ra, về mức thu nhập của người làm nghề này, cô Ngọc chia sẻ, trừ những bạn làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước với mức lương tính theo hệ số, mức thu nhập của nghề chủ yếu dựa vào khoản thu được từ các sản phẩm sơn mài và khảm trai.. Theo đó, các sản phẩm càng tinh xảo, sáng tạo,..., chủ yếu làm bằng thủ công thì càng có giá trị cao.
Bên cạnh đối tượng người học là những bạn học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, cô Ngọc cho hay, nghề học này của khoa có nhiều bạn đến từ các làng nghề truyền thống.
Bởi, nếu chỉ học ở các làng nghề, các em thường chỉ được học, làm và biết về một công đoạn của nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai, thế nhưng khi học tại trường với chương trình chính quy, các em sẽ được học tất cả các công đoạn.
Từ đó, tạo cơ hội việc làm rộng mở hơn cho người học, đặc biệt là đối với những bạn muốn mở xưởng sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm làm từ sơn mài và khảm trai, việc nắm được các công đoạn để có thể quản lý tốt được là rất quan trọng.
Hơn nữa, trường cũng luôn tạo cơ hội cho người học được thực hành, thực tế, tham quan tại các xưởng, các làng nghề, công ty. Qua đó, giúp các em học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có cơ hội được các nơi sử dụng lao động đó tuyển dụng luôn ngay sau khi tốt nghiệp.
Cũng theo cô Ngọc, hiện khoa cũng được nhà trường xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo cơ bản trong công tác đào tạo.
Tuy nhiên, để việc dạy và học nghề này ngày càng phát triển, cô Ngọc cũng mong rằng, các trang thiết bị, máy móc của khoa ngày càng được bổ sung và hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Để nguồn nhân lực của nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai ngày càng được phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng (Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định) cũng đưa ra một số kiến nghị.
Trước hết, nhà nước, đặc biệt là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cần có chính sách quan tâm, đầu tư trang thiết bị cho đào tạo nghề Kỹ thuật Sơn mài, Khảm trai cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo nghề này nói chung và Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định nói riêng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi cho người học nghề Sơn mài, Khảm trai, hỗ trợ về dụng cụ, thiết bị, chế độ khuyến khích cho người học; đầu tư phát triển, mở rộng quy mô cho các làng nghề, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
Ngoài ra, cần có chính sách tuyển dụng lao động sau khi học làm các công việc trùng tu, phục chế các công trình văn hóa thuộc lĩnh vực nghề và đưa nghề Kỹ thuật Sơn mài và Khảm trai vào trong nhóm nghề có tính chất đặc thù quốc gia trong giáo dục nghề nghiệp.
"Nghề Kỹ thuật Sơn mài, khảm trai là một trong một số nghề “xã hội cần nhưng khó tuyển sinh”. Do vậy, chúng ta cần có góc nhìn sâu sắc; có sự đầu tư thích đáng để duy trì, phát triển lực lượng lao động và bảo về giá trị lịch sử truyền thống của nghề", thầy Liệu nhấn mạnh.