Đề xuất giảm 50% phí hạ tầng cảng biển TP HCM
Trước kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng và lưu ý của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc triển khai thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã kiến nghị UBND TP HCM điều chỉnh một số quy định.
Về quy định mức thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại TP HCM và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác, Sở Giao thông Vận tải cho rằng việc xem xét mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại các địa phương khác được hưởng mức phí hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại TP HCM là phù hợp.
Theo thống kê trong tổng số hàng qua cảng TP HCM thì 60% hàng hóa từ các địa phương khác xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cảng biển thành phố đã gây áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông, trong khi hạ tầng giao thông thành phố chưa đủ điều kiện đáp ứng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các khu vực xung quanh các kho bãi, cảng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Do đó, tại Đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM, Tổ công tác xây dựng Đề án thu phí xây dựng hai mức thu phí áp dụng cho hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM và mở tờ khai ngoài Thành phố.
Trong đó, mức phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM được xây dựng có tính đến yếu tố đóng góp cho ngân sách thành phố, gián tiếp tạo nguồn để đầu tư, cải tạo, mở rộng, bảo trì... kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cửa khẩu cảng biển của thành phố do đó mức phí của hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài Thành phố cao hơn mức phí của hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Thành phố.
Mục đích nhằm điều tiết giao thông, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng thành phố thông qua giải pháp kinh tế để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tại các địa phương khác lựa chọn xuất nhập khẩu hàng hóa qua các bến cảng biển thuộc các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tuy nhiên qua 2 tháng thực hiện thu phí, Sở Giao thông Vận tải TP HCM nhận thấy các doanh nghiệp của các địa phương khác vẫn giữ các tập quán, thói quen luồng hàng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, chưa đạt được mục tiêu điều tiết giao thông.
Đồng thời, việc điều chỉnh quy định này còn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Về mức thu phí, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá, trong kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển Thành phố gồm kết cấu hạ tầng đường bộ và đường thủy, mỗi loại chiếm tỷ trọng xấp xỉ 50% trong hệ thống hạ tầng cảng biển chủ yếu (185 km đường thủy và 176,25 km đường bộ).
Vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy có khối lượng lớn, chi phí thấp, tuy nhiên thị phần vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 23% tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển).
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy góp phần giảm ùn tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông đường bộ giảm dần sự phụ thuộc vào đường bộ, thì việc xem xét mức thu hợp lý cho hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy là phù hợp.
“Tuy nhiên, có thể căn cứ khối lượng kết cấu hạ tầng đường bộ và đường thủy trong hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển. Cụ thể là xem xét giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa (tương ứng tỷ lệ kết cấu hạ tầng cảng biển”, tờ trình của Sở Giao Thông Vận tải TP HCM nêu rõ.
Cục Đường Thủy nội địa tán thành phương án giảm 50% mức thu phí
Mới đây, ngày 14/6, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa có công văn hỏa tốc đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phương án miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển cho hàng hóa đi đường thủy.
Theo đó, Cục Đường Thủy nội địa đánh giá Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM sẽ góp phần thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy, qua đó tận dụng được điều kiện tự nhiên của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí Logistics của Việt Nam khi mà đến hơn 80% lượng hàng container cả nước thông qua cảng biển khu vực TP HCM.
Trên cơ sở đó, Cục Đường Thủy nội địa đề xuất hai góp ý điều chỉnh việc thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM để phù hợp với nguyện vọng doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu phát triển vận tải đường thủy.
Về đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa, đề nghị bỏ từ “hoàn toàn” tránh gây hiểu nhầm cho các cơ quan thực thi trong trường hợp hàng gom từ các cảng bến lân cận bằng phương tiện thủy nội địa, tập kết lên cảng để lên phương tiện thủy nội địa lớn hơn trước khi chuyển đi (ví dụ chuyển đến Cái Mép - Thị Vải) và ngược lại.
Đồng thời, cũng liên quan đến đề xuất giảm 50% trên, Cục Đường Thủy nội địa đề nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM xem xét tỷ trọng đoạn tuyến đường thủy mà Thành phố đang thực hiện quản lý, đầu tư, bảo trì trong tổng số kết cấu hạ tầng đường thủy kết nối cảng biển (185km) để tính toán, đề xuất tỷ lệ mức giảm phí phù hợp hơn, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giao thông vận tải đường thủy nội địa.
Ngoài ra, đối với việc thực hiện trách nhiệm đúng cam kết quốc tế trong thực thi Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia trong vận tải đường thủy, Cục Đường Thủy nội địa đề nghị thay thế nội dung cụ thể: Miễn thu phí đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thủy.