Đề xuất giảm đến 50% một số khoản phí lĩnh vực giao thông vận tải
Theo Dự thảo Thông tư vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện, một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải đang được Bộ Tài chính đề xuất giảm đến 50% mức thu hiện hành.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát để tiếp tục giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch. Dù ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, nhưng Bộ Tài chính vẫn kiên định theo đúng mục tiêu đã đề ra, đó là tiếp tục triển khai các gói tài khóa hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mức giảm trên dự kiến từ khi Thông tư được ban hành có hiệu lực đến ngày 31/12/2022. Theo đó, phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa, dự kiến bằng 80% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 12 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa bằng 80% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 13 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC.
Lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa bằng 80% mức thu lệ phí quy định tại Điều 16 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa, ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC…Phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt bằng 50% mức thu phí quy định tại Điều 3 Thông tư số 295/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đối với lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa; phí trình báo đường thủy, Bộ Tài chính cũng đề xuất mức thu mới bằng 50% mức thu hiện hành. Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho hay: Việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC trong 8 tháng qua đã lên tới khoảng 900 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gói hỗ trợ về tài khóa quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 8/2022, Bộ Tài chính đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% kế hoạch.
Trong số 52 nghìn tỷ đồng đã gia hạn các loại thuế: thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng (số thuế đã nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng); gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ ước khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng.
Về các chính sách miễn, giảm thuế thuộc Chương trình phục hồi đã ban hành và triển khai thực hiện (quy mô dự kiến khi xây dựng các chính sách là 61,5 nghìn tỷ đồng). Đến hết tháng 8/2022, ước tính số thực hiện khoảng 34,97 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 56,9% kế hoạch.