Đề xuất giảm lệ phí trước bạ cho xe hybrid tại Việt Nam
Bộ Công Thương vừa gửi đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin, xe hybrid tự sạc và xe hybrid sạc ngoài tại Việt Nam.
Trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương cho rằng việc phát triển ngành công nghiệp ôtô cần dựa trên cơ sở đi tắt.
Tức phải đón đầu các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về sản xuất và tiêu dùng từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh của thế giới nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Vì thế, Bộ này đề xuất Chính phủ giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, thực thi các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe điện chạy pin (BEV), xe hybrid tự sạc (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV).
Lệ phí trước bạ với xe ôtô là một khoản tiền ấn định bắt buộc phải nộp cho Nhà nước trước khi đăng ký quyền sở hữu xe. Việc áp dụng chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ được cho là giải pháp kích thích người dân ưu tiên sử dụng những dòng xe này.
Cùng với các giải pháp đồng bộ, Bộ Công Thương cũng đưa mục tiêu tới năm 2030, tăng trưởng thị trường xe ôtô trong nước đạt tốc độ bình quân 14-16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt khoảng 1-1,1 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác chiếm khoảng 18-22%.
Phấn đấu đến năm 2045, thị trường tiêu thụ xe ôtô trong nước tăng trưởng bình quân hàng năm 11-12%/năm, tổng lượng xe đạt 5-5,7 triệu chiếc. Tỷ lệ xe điện và xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác đạt 4,3-4,4 triệu chiếc, chiếm khoảng 80-85%.
Kế hoạch này được đặt ra trong bối cảnh thị trường ôtô Việt Nam đã phải trải qua giai đoạn khó khăn vào năm ngoái. Tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi, nguy cơ lạm phát tăng cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức mua sụt giảm, doanh số bán của nhiều hãng liên tiếp "lao dốc".
Theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), kết thúc năm 2023, tổng doanh số bán ôtô trong nước đạt gần 302.000 xe các loại (chưa bao gồm doanh số VinFast và Hyundai), tức giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, lượng tiêu thụ ôtô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 56% so với năm 2022.
Kết quả này khiến Việt Nam trở thành thị trường ôtô có mức giảm doanh số lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dữ liệu mà Hiệp hội ôtô ASEAN (AAF) công bố năm 2023, Việt Nam chỉ xếp thứ 5 về tiêu thụ ôtô trong số 7 thành viên thuộc AAF gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar và Việt Nam.
Không những vậy, với mức sụt giảm 25% so với năm 2022 Việt Nam là một trong những thị trường ôtô có mức giảm doanh số lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo bán hàng từ VAMA cho thấy thị trường ôtô Việt Nam chưa thể phục hồi mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, toàn thị trường bán ra gần 135.000 chiếc, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe du lịch đạt gần 97.300 chiếc (-3%); xe thương mại đạt hơn 36.400 chiếc (+2%) và xe chuyên dụng đạt hơn 1.100 chiếc (+4%). Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giai đoạn này cũng giảm 15% trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.