Đề xuất giao địa phương quản lý, đầu tư đường bộ vào ga đường sắt

Cục Đường sắt đề xuất giao địa phương quản lý, đầu tư đường bộ vào nhà ga, tạo thuận lợi phát triển vận tải đường sắt.

Đường bộ vào ga xuống cấp, khó khăn cho vận tải

Cục Đường sắt VN cho biết, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia còn 28 đoạn đường bộ vào ga đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.340m đang giao cho doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt quản lý.

Nhiều đường bộ vào ga xuống cấp do kinh phí đầu tư, bảo trì hạn chế. Ảnh: minh họa

Nhiều đường bộ vào ga xuống cấp do kinh phí đầu tư, bảo trì hạn chế. Ảnh: minh họa

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí bảo trì hàng năm cho đường bộ vào ga không được bố trí, dẫn đến chất lượng đường bộ kém, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của hành khách, làm giảm tính hấp dẫn của vận tải đường sắt. Thậm chí nhiều vị trí đường bộ vào ga bị lấn chiếm.

Một số dự án đầu tư các ga đường sắt như: Ga Hạ Long, Ga Cái Lân, Ga Văn Phú, Ga Ninh Bình… sử dụng vốn ngân sách Trung ương đều đầu tư đường bộ vào ga và hiện vẫn do doanh nghiệp KCHT đường sắt quản lý.

Hầu hết đường bộ vào ga còn lại đều do địa phương đầu tư, quản lý, cơ bản phân làm hai loại chính.

Theo đó, đối với đường bộ trong khu vực đô thị, cơ bản chất lượng tốt, nhưng do chưa có sự phối hợp tốt trong công tác xác định quy mô, nhu cầu đầu tư hoặc do yêu cầu về chống ùn tắc giao thông ở địa phương, nên một số đường bộ vào ga bị hạn chế tải trọng phương tiện ô tô ra vào, hạn chế thời gian phương tiện vào ga vào giờ cao điểm, như ga Đà Nẵng, Giáp Bát, Gia Lâm, Long Khánh, Biên Hòa, Dĩ An, Sài Gòn…

Đối với đường bộ ngoài khu vực đô thị, chủ yếu là đường bộ cấp thấp do UBND cấp huyện, xã quản lý. Do hạn chế kinh phí, các địa phương chủ yếu đầu tư phục vụ nhu cầu tối thiểu của địa phương mà chưa quan tâm đến nhu cầu vận tải chung của đường sắt.

Cùng đó một số trường hợp đường bộ vào ga được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa; Nhưng kinh phí cho công tác bảo trì hạn chế nên các đường bộ này bị xuống cấp, chất lượng kém.

Đặc biệt, tại một số ga, người dân, địa phương cấm/hạn chế phương tiện đường bộ ra vào ga, bãi hàng phục vụ xếp, dỡ hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt như ga Quảng Ngãi, La Khê… nên khó khăn cho khai thác vận tải.

Cục Đường sắt VN đề xuất chuyển giao đường bộ vào ga hiện do doanh nghiệp KCHT đường sắt quản lý, bảo trì về địa phương quản lý, đầu tư, bảo trì để phát huy hiệu quả chung vận tải đường sắt và kinh tế - xã hội

Cục Đường sắt VN đề xuất chuyển giao đường bộ vào ga hiện do doanh nghiệp KCHT đường sắt quản lý, bảo trì về địa phương quản lý, đầu tư, bảo trì để phát huy hiệu quả chung vận tải đường sắt và kinh tế - xã hội

Giao địa phương quản lý, đầu tư để tăng hiệu quả khai thác

Cục Đường sắt VN cho biết, theo quy định của pháp luật đường sắt, đường bộ vào ga không phải là công trình đường sắt và cũng không phải là tài sản KCHT đường sắt quốc gia. Nguồn vốn Nhà nước ở Trung ương bố trí cho đầu tư xây dựng, cải tạo, bảo trì các đường bộ vào ga do doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt quản lý lại hạn chế.

Đối với đoạn đường bộ thuộc trách nhiệm quản, lý bảo trì của địa phương, địa phương cũng chưa chú trọng đầu tư, dẫn đến các đoạn đường bộ vào ga trên các tuyến đường sắt quốc gia có chất lượng kém, xuống cấp, làm giảm tính hấp dẫn của vận tải đường sắt.

“Do đó có thể xem xét điều chuyển các tài sản này cho UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư, bảo trì, khai thác để thống nhất quản lý đường bộ vào ga, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ người dân và các phương tiện vận tải tiếp cận thuận tiện tới ga đường sắt; Đồng thời huy động nguồn lực của địa phương đầu tư phát triển KCHT đường sắt và tính khả thi khi thực hiện”, đại diện Cục Đường sắt VN nhấn mạnh.

Cụ thể, Cục Đường sắt VN đề xuất Bộ GTVT thống nhất với 13 UBND cấp tỉnh bàn giao cho địa phương tài sản 28 đoạn đường bộ vào ga đường sắt để địa phương tổ chức quản lý, đầu tư, bảo trì, khai thác phục vụ dùng chung cho phát triển KT-XH và nhu cầu vận tải đường sắt quốc gia.

Cục Đường sắt VN đề xuất giao 13 tỉnh tổ chức đầu tư, bảo trì, khai thác đường bộ vào ga đường sắt gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định.

Cụ thể, dự kiến đường bộ vào các ga Kim Nỗ, Phú Diễn, Hà Đông (tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển); Ga Đa Phúc (tuyến Đông Anh - Quán Triều); Ga Mỏ Trạng (tuyến Kép - Lưu Xá); Các ga Tiên Kiên, Văn Phú, Lâm Giang (tuyến Hà Nội - Lào Cai); Các ga Hạ Long, Cái Lân (tuyến Kép - Hạ Long); Ga Nghĩa Đàn (tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn).

Trên tuyến Hà Nội - TP.HCM có đường bộ vào các ga: Núi Gôi, Đồng Giao, Trường Lâm, Hoàng Mai, Cầu Giát, Chợ Sy, Yên Duệ, Chu Lễ, Phúc Trạch, Đại Lộc, Hòa Vinh Tây, Thạch Trụ, Đức Phổ, Thủy Thạch, Bồng Sơn, Vạn Phú, Phù Mỹ.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-giao-dia-phuong-quan-ly-dau-tu-duong-bo-vao-ga-duong-sat-d560301.html