Đề xuất giáo viên mầm non là nghề độc hại, được nghỉ hưu sớm, Bộ GD&ĐT lý giải

Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT lý giải về đề xuất đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại, được nghỉ hưu sớm.

Trong văn bản trả lời kiến nghị, ý kiến của giáo viên về giảm tuổi nghỉ hưu, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, giáo viên mầm non thực hiện việc việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi. Lao động của giáo viên mầm non có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng con người.

Đối tượng mà giáo dục mầm non hướng tới là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn rất non nớt và đang trong giai đoạn phát triển với tốc độ nhanh. Do đó, giáo viên mầm non chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ GD&ĐT đề xuất giáo viên mầm non là nghề độc hại, được nghỉ hưu sớm. (Ảnh minh họa: T.N)

Bộ GD&ĐT đề xuất giáo viên mầm non là nghề độc hại, được nghỉ hưu sớm. (Ảnh minh họa: T.N)

Trong khi đó, Bộ Luật Lao động hiện hành quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì được hưởng lương hưu; những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến của nhiều địa phương, giáo viên, của cử tri cũng như Đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam từng tổ chức thăm dò ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy. Kết quả, có tới 96% người chọn tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi, chỉ có 4% chọn tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.

Như vậy, việc đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu sớm là xuất phát từ nhu cầu chính đáng của giáo viên mầm non, nhu cầu được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục mầm non, đại diện Cục Nhà giáo nhấn mạnh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề. Trên cơ sở đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung vào danh mục đối với giáo viên mầm non. "Nếu được bổ sung vào danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có căn cứ để đề xuất tuổi nghỉ hưu sớm với giáo viên mầm non", Cục Nhà giáo thông tin thêm. Tuổi nghỉ hưu của giáo viên dự kiến sẽ không tăng, giữ nguyên nam 60, nữ 55.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT từng cho rằng đề xuất xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại là rất cần thiết. Giáo viên bậc mầm non có những đặc thù riêng, vất vả hơn so với các bậc học khác. Đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, có những chính sách cụ thể, thiết thực sẽ là nguồn động viên, động lực cho nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.

"Trong khi đồng lương không đủ sống, không có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh nhiều người nghỉ việc như hiện nay, trong thời gian tới sẽ còn có nhiều người bỏ việc, khi đó ngành sẽ thiếu đội ngũ trầm trọng”, PGS Nhĩ nói.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 3 năm học gần đây, hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc, trong đó giáo viên mầm non chiếm số lượng lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do công việc đặc thù vất vả, áp lực nhưng chế độ tiền lương thấp, không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Nhiều địa phương thiếu giáo viên mầm non trầm trọng dù có chính sách thu hút như hỗ trợ 100 triệu đồng/lần/người nhưng vẫn không tuyển dụng được giáo viên.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-xuat-giao-vien-mam-non-la-nghe-doc-hai-duoc-nghi-huu-som-bo-gd-dt-ly-giai-ar820935.html