Đề xuất giữ lương hưu tối thiểu khi cải cách tiền lương từ 1-7

Hiện người tham gia BHXH bắt buộc về hưu mà hưởng lương hưu thấp sẽ được Nhà nước hỗ trợ để lương hưu tối thiểu không thấp hơn 1,8 triệu đồng.

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vào ngày 27-5, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi dự luật bỏ lương cơ sở sẽ dẫn đến nhiều người về hưu nhận mức lương thấp.

Lo ngại bỏ lương hưu tối thiểu khiến nhiều người nghèo đi

Theo quy định hiện hành, lương cơ sở (1,8 triệu đồng) là mức lương thấp nhất (lương hưu tối thiểu) mà người về hưu đang hưởng. Tuy nhiên, từ ngày 1-7 tới, chính sách cải cách tiền lương bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng việc bỏ lương hưu tối thiểu trong dự luật có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai khi nhận về mức lương hưu không đảm bảo cuộc sống.

Vì vậy, đại diện người lao động đề nghị cần xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu tối thiểu như Luật BHXH năm 2014, hoặc có phương án để cách tính lương hưu mang tính chia sẻ, hỗ trợ những người có lương hưu quá thấp.

 Theo quy định hiện hành, người đóng BHXH bắt buộc 20 năm mà hưởng lương hưu thấp hơn 1,8 triệu đồng sẽ được bù thêm. (Ảnh minh họa: P.PHONG)

Theo quy định hiện hành, người đóng BHXH bắt buộc 20 năm mà hưởng lương hưu thấp hơn 1,8 triệu đồng sẽ được bù thêm. (Ảnh minh họa: P.PHONG)

Để giải bài toán trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự luật đã thay đổi khái niệm lương cơ sở thành mức tham chiếu, đảm bảo ba điều kiện: Một là, mức tham chiếu được áp dụng bằng lương cơ sở cho đến khi lương cơ sở bị bãi bỏ. Hai là, mức tham chiếu tại thời điểm lương cơ sở bị bãi bỏ không thấp hơn mức lương cơ sở. Ba là, mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người không có lương hưu do tốc độ già hóa nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế.

Như vậy, dự luật chỉ thay đổi cách gọi từ lương cơ sở sang mức tham chiếu, thực tế nội hàm không đổi.

Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo đưa vào dự luật đề xuất: “Người tham gia BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức hưởng lương hưu tối thiểu bằng mức tham chiếu”.

Như vậy, có thể thấy mức lương hưu tối thiểu là 1,8 triệu đồng chỉ áp dụng với những người đang hưởng lương hưu và hiện đang tham gia BHXH. Có nghĩa dự luật sẽ không gây xáo trộn với người đang đóng BHXH và nhận lương hưu.

Những người tham gia BHXH sau thời điểm dự luật có hiệu lực (1-7-2025) sẽ hướng đến nguyên tắc đóng - hưởng, không còn quy định về mức lương hưu tối thiểu nữa.

Lý do không áp dụng mức sàn lương hưu

Theo cơ quan soạn thảo, sở dĩ dự luật không còn mức lương hưu tối thiểu vì quy định hiện hành chưa thể hiện đầy đủ các nguyên tắc đóng - hưởng. Song song đó, Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách BHXH cũng đặt ra mục tiêu “hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn”.

“Để đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, nếu quy định mức lương hưu tối thiểu thì cần phải điều chỉnh mức đóng và thời gian đóng tương ứng để lương hưu cao. Điều này dẫn tới nhiều người sẽ gặp khó khăn trong tham gia và hưởng lương hưu, mục tiêu đến 2030 có 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tiến tới BHXH toàn dân sẽ khó có thể thực hiện được…”- Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Các chuyên gia định phí bảo hiểm của ILO cũng đã tính toán, nếu quy định mức sàn lương hưu bằng mức tham chiếu thì những người có mức lương hưu thấp hơn mức tham chiếu sẽ được Nhà nước bù bằng mức tham chiếu. Với mục tiêu 60% người sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu, BHXH hàng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội thì ngân sách Nhà nước mỗi năm phải chi bù khoảng 2-3% GDP.

Về vấn đề này, ngân sách Nhà nước không có khả năng hỗ trợ tất cả các đối tượng tham gia BHXH có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở (mức tham chiếu).

Thêm vào đó, nếu chỉ áp dụng mức lương hưu tối thiểu đối với người có 20 năm đóng BHXH bắt buộc sẽ không công bằng với những người có dưới 20 năm đóng, những người tham gia BHXH tự nguyện và các nhóm khác. Việc này sẽ gặp phải sự phản đối rất lớn từ phía người lao động, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện, người lao động khu vực ngoài nhà nước.

Theo quan điểm trên, cơ quan soạn thảo cho rằng cần quan tâm hơn đối với tất cả người có mức lương hưu thấp, không chỉ riêng đối với lao động nam có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 28 là thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

“Thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ hơn nhằm hỗ trợ, cải thiện mức lương hưu chung của những người có mức hưởng thấp…”- Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Luật điều chỉnh linh hoạt để ứng phó tác động chính sách tiền lương

Bộ LĐ-TB&XH cho biết ngày 21-5 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đã họp bàn, đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận nếu theo dự kiến phương án cải cách tiền lương đã thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền, thì về cơ bản không phải sửa đổi toàn diện ngay Điều 62 và Điều 63 Luật BHXH hiện hành về mức tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo đưa vào dự luật nội dung: Trường hợp Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành thì Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH và điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc…

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-giu-luong-huu-toi-thieu-khi-cai-cach-tien-luong-tu-1-7-post795553.html