Đề xuất giữ nguyên quy trình thông qua luật trong hai kỳ họp

Quy trình thông qua dự thảo luật, nghị quyết nên được duy trì trong hai kỳ họp để các đại biểu cho ý kiến sát sao, chặt chẽ, gợi mở nhiều góc nhìn lớn. Đây là ý kiến đóng góp tại nghị trường của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga trong phiên thảo luận chiều 13/2.

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chiều 13/2, các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến xoay quanh quy định về trình tự xem xét thông qua dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

Bày tỏ sự băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, cần cân nhắc điều 40 trong dự thảo luật khi quy định trình tự thông qua dự thảo luật, nghị quyết cơ bản là trong một kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương.

Đại biểu chỉ ra thực tế hiện nay, các dự án luật mặc dù có quá trình xây dựng, lấy ý kiến, góp ý rất kỹ lưỡng nhưng khi trình Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau làm "nóng" nghị trường, thu hút nhiều cử tri quan tâm.

“Nhiều ý kiến phản biện chất lượng được đưa ra, gợi mở nhiều góc nhìn lớn, từ đó bên soạn thảo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện vào dự thảo luận, đảm bảo chất lượng, tính khả thi hơn. Thậm chí nhiều nội dung sau khi thảo luận tại Quốc hội, dự thảo mới được tiếp thu đã thay đổi rất nhiều, có nội dung còn khác hẳn với với quan điểm của cơ quan trình”, vị đại biểu đoàn Hải Dương cho biết.

Vì thế, đại biểu Việt Nga đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường là hai kỳ họp như hiện nay. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc thực hiện quy trình một kỳ họp rất hạn chế quyền tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

“Thực tế khi bấm nút thông qua dự thảo luật thì không còn đại biểu phát biểu nữa. Nếu luật được thông qua trong hai kỳ họp thì đại biểu phát biểu tại tổ, tại hội trường. Nếu thông qua ở một kỳ họp thì cơ hội đại biểu phát biểu chỉ có một lần. Mà có luật thì còn nhiều ý kiến khác nhau”, đại biểu Phạm Văn Hòa giải thích.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Từ đó, đại biểu đề xuất cần phải có thêm thời gian cho đại biểu phát biểu, và việc thông qua luật ở một hay hai kỳ họp sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp tục đóng góp vào vấn đề này, đại biểu Cao Thị Xuân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trước khi trình Quốc hội thông qua dự án luật nên bổ sung một phần nêu rõ những điểm mới so với chính sách hiện hành. Điều này thuận lợi cho việc nghiên cứu của các đại biểu Quốc hội, rõ ràng trong xây dựng luật và thuận lợi truyền thông chính sách.

Đại biểu Cao Thị Xuân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Cao Thị Xuân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, các đại biểu đã có phiên thảo luận tại tổ cho ý kiến vào dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) vào sáng 12/2.

Vân Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/de-xuat-giu-nguyen-quy-trinh-thong-qua-luat-trong-hai-ky-hop-302549.htm