Ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp bất thường lần thứ 9: Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về một số dự thảo nghị quyết, dự án luật
Ngày 13/2, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số dự án luật, dự thảo nghị quyết và họp phiên toàn thể tại hội trường.
Theo đó, tại phiên thảo luận tổ vào buổi sáng, tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 4 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia thảo luận tại tổ 13.
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH thống nhất cao với các nội dung dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các vấn đề đã được Ủy ban Pháp luật lưu ý trong các báo cáo thẩm tra về 3 nội dung này.
Trong các ý kiến thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh có đại biểu Phạm Trọng Nghĩa góp ý cụ thể vào một số điều khoản của dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước. Đơn cử như điều 4 và điều 6 của dự thảo nghị quyết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, theo Kết luận số 121-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương đã đồng ý với chủ trương sắp xếp theo hướng không tổ chức công an cấp huyện. Trên thực tế lực lượng công an đã triển khai thực hiện, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung tại điều 6 để xác định việc thực hiện tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét về thời gian hiệu lực của nghị quyết; thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về: chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; xem video về dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Trong đó, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến đối với Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung việc phản biện của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngay tại quy trình xây dựng chính sách; chỉnh sửa tên gọi điều 30 là “Lấy ý kiến góp ý, phản biện xã hội và tham vấn chính sách” và sửa đổi khoản 1, điều 30 như sau: “Cơ quan lập đề xuất chính sách tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan; đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phản biện xã hội về chính sách…”.
Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về phản biện xã hội tại khoản 3, 4 của điều 30; bổ sung tại điểm g, khoản 2, điều 31 về hồ sơ thẩm định như sau: “Bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, phản biện xã hội”; sửa đổi, bổ sung tại điểm đ, khoản 3, điều 33 về soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết theo hướng đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã thực hiện theo quy trình xây dựng chính sách thì không bắt buộc phải thực hiện phản biện xã hội.