Đề xuất hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân, người lao động
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất với Bộ KH-ĐT mở rộng đối tượng hỗ trợ được hưởng ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư để xây nhà ở công nhân, người lao động…
Theo VCCI, Điều 19 của Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Bộ KH-ĐT đang quy định mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư.
Đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án.
Tuy nhiên, VCCI đề nghị Bộ KH-ĐT cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ này với nhà ở dành cho công nhân, người lao động; Cân nhắc bổ sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải…
Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, VCCI đề nghị Bộ KH-ĐT cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này. VCCI cũng đề nghị nới chi phí nghiên cứu và phát triển lên 75% thay vì 50 như dự thảo, hỗ trợ đầu tư tài sản cố định…
Về quy trình hỗ trợ, VCCI đánh giá quy trình này theo dự thảo còn nhiều điểm chưa rõ ràng, khó dự đoán. Cụ thể là việc ngân sách hoạt động của Quỹ sẽ được phân bổ hằng năm, việc quyết định hỗ trợ cũng được quyết định từng năm chứ không theo suốt dự án.
Mức hỗ trợ trong Dự thảo chỉ là mức tối đa, doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng mức tối đa này nếu Quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó. Trong trường hợp đó, việc phân bổ tiền hỗ trợ dựa trên các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa định lượng.
Đứng từ góc độ của một doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, không có gì chắc chắn họ sẽ được hỗ trợ dù đã thuộc đối tượng và thực hiện đúng các hoạt động được nêu trong Nghị định. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải tính toán cho tình huống xấu nhất, tức là không được hỗ trợ.
Kể cả đối với các doanh nghiệp đã đầu tư thì việc hỗ trợ được quyết định theo từng năm cũng gây nhiều bất trắc. Dù năm nay được hỗ trợ, doanh nghiệp không chắc chắn năm sau có được hỗ trợ nữa tiếp nữa hay không. Sự thiếu chắc chắn này sẽ làm giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư của chính sách này, trong khi ngân sách vẫn phải chi tiền hỗ trợ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư.
Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm, nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác.