Đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Mới đây, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2025 vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được giao.
Chiều ngày 12/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.
Tính đến hết tháng 8, giải ngân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt khoảng 94.700 tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023.
Trong số nhiều nguyên nhân khách quan, có việc một số doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhưng không đăng ký thụ hưởng chính sách do tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra.
Một số chính sách hỗ trợ lần đầu được xây dựng và triển khai chưa có tiền lệ, cần thời gian để xây dựng, đánh giá cụ thể tác động chính sách trước khi ban hành.
Một số dự án quan trọng quốc gia thuộc ngành giao thông có quy mô lớn, dự án đường cao tốc, dự án có tính chất liên vùng, mới được triển khai thi công, cần thời gian để hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định dẫn đến kết quả giải ngân kế hoạch vốn từ Chương trình còn hạn chế.
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi.
Đồng thời, tăng 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến để Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định một số nội dung.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh như đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Chính phủ còn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2025. Vì hiện nay, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31/8/2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Dẫn Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43, nhìn chung, các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế - xã hội năm 2022 và 2023.
Về chính sách tài khóa, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc giải ngân hết các gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 43 là không khả thi, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện chủ yếu là các nguyên nhân khách quan.
Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện chậm.
Về chính sách tiền tệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ chưa đánh giá tổng thể, toàn diện, cụ thể tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 43.
Về nhiệm vụ điều hành tăng trưởng tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế hiện nay khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm xuống, dư nợ tín dụng đến 21/9 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%), cho thấy nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn rất yếu.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình thực hiện chính sách tiền tệ quy định tại Nghị quyết số 43, phân tích cụ thể tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đánh giá hiệu quả, tác động của các chính sách tới đối tượng thụ hưởng và khả năng phục hồi doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời bổ sung các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn từ nay tới hết năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.
Liên quan đến các nội dung Chính phủ kiến nghị UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề cập đến 4 nội dung cơ bản.
Về việc điều chỉnh nguồn lực linh hoạt thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, cho phép cắt giảm kế hoạch vốn của Chương trình và không triển khai một số dự án không còn khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nêu trên theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật Ngân sách Nhà nước.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết số 93/2023/QH15 và số 43/2022/QH15 của Quốc hội.