Đề xuất kéo dài miễn thuế TNDN với hoạt động nghiên cứu

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng các lĩnh vực được ưu đãi thuế, đồng thời kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm thay vì 3 năm như quy định trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) hiện nay.

Sáng 12/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo Điều 4 của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), hoạt động nghiên cứu và phát triển được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tối đa là 3 năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, khoảng thời gian này là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển công nghệ. Điều đó chưa đủ để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đề xuất: kéo dài thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển lên 5 năm. Đồng thời, đại biểu đề nghị cụ thể hóa chủ trương miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị theo hướng mở rộng đối tượng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu từ chuyển nhượng phần góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển xanh như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Các vấn đề được miễn giảm thuế khác theo Điều 15, đề nghị xem xét, bổ sung các lĩnh vực được áp dụng chính sách ưu đãi thuế như phát triển xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường để tạo cơ hội áp dụng chính sách ưu đãi thuế”.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đề nghị: “Cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét mở rộng ưu đãi cho các loại hình bất động sản phục vụ công nghiệp, logistics, công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời cân nhắc ưu đãi việc chuyển nhượng vốn trong trường hợp tái cơ cấu doanh nghiệp để phát triển bền vững”.

Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về hiệu quả khi áp dụng cơ chế “siêu khấu trừ lợi nhuận”, bởi hiện đã có các quỹ phát triển khoa học công nghệ. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ, các cơ chế hỗ trợ sẽ dễ bị chồng chéo, trùng lặp và giảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Vì vậy, cần thống nhất phương án hỗ trợ phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực.

Hoàng Hợp

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-xuat-keo-dai-mien-thue-tndn-voi-hoat-dong-nghien-cuu-328990.htm