Đề xuất kéo dài thời hiệu xử lý vi phạm hành chính khi nào?

Cơ quan chủ trì sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính bảo lưu quan điểm kéo dài thời hiệu xử lý vi phạm hành chính một cách hợp lý đối với vụ việc mà cơ quan tố tụng từng thụ lý tham gia.

Đây là thông tin từ Hội thảo khoa học do Tạp chí Dân chủ Pháp luật ( Bộ Tư pháp) tổ chức ngày 14/5 góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Phải đảm bảo quyền con người

Một trong những nội dung đáng chú ý là thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, tức là thời hạn (khoảng thời gian) mà theo đó các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong hầu hết các lĩnh vực chỉ là 1 năm (một số lĩnh vực là 02 năm), tính từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số vụ việc phức tạp, khi cơ quan tiến hành tố tụng chuyển hồ sơ đến để xử phạt vi phạm hành chính đã vượt quá thời hạn nêu trên, dẫn đến không thể xử lý hành vi vi phạm. Do vậy, theo ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban chủ trì soạn thảo dự luật thấy cần thiết phải sửa đổi quy định về thời hiệu trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo hướng, quy định thời hiệu cụ thể là 06 tháng kể từ ngày cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt nhận được hồ sơ vụ vi phạm, đồng thời, giới hạn tối đa không quá 03 năm, kể từ thời điểm kết thúc hành vi vi phạm hoặc thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Nâng mức xử phạt không lập biên bản lên 4 lần

Theo dự thảo luật, sẽ tăng mức xử phạt tối đa của trường hợp xử phạt không lập biên bản phạt lên 4 lần so với hiện nay ( thay vì 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức, mức phạt sẽ là 1.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000 đồng đối với tổ chức), nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho cả đối tượng vi phạm và người có thẩm quyền xử phạt. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định rõ trường hợp hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, theo ý kiến của GS, TS Vũ Công Giao ( Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội), nếu sửa như vậy không hợp lý về nguyên tắc pháp lý. Cụ thể, theo ông Giao nếu tính thời hiệu xử phạt từ thời điểm cơ quan hành chính nhận được hồ sơ mà không tính trọn vẹn thời gian cơ quan tố tụng đã thụ lý trước đó sẽ gây bất lợi cho người bị xử lý và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nguyên tắc pháp quyền cũng như bảo đảm quyền con người trong pháp luật hành chính. “ Thời hiệu vi phạm hành chính được đặt ra là để bảo vệ sự ổn định pháp lý, thêm nữa còn là để tránh lạm dụng quyền lực nhà nước trong xử phạt vi phạm hành chính”, ông Giao nói. Nếu kéo dài thời hiệu xử lý hành chính như vậy thì có rủi ro về sự lạm quyền của chủ thể có thẩm quyền xử lý, đồng thời tăng nguy cơ đối xử không công bằng giữa các nhóm đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe Ảnh: Thanh Hà

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe Ảnh: Thanh Hà

Trong khi đó đại diện Sở Tư pháp TPHCM cũng cho rằng nếu quy định như dự thảo luật đồng nghĩa với việc đặt ra một thời hiệu riêng trong trường hợp vụ việc có sự tham gia của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự . Vì vậy cả Sở Tư pháp TPHCM và Sở Tư pháp Tiền Giang cùng đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành.

Không tính vào thời hiệu

Riêng Sở Tư pháp tỉnh An Giang đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng “ Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và b khoản 1 điều 6 (tức 1 năm hoặc 2 năm tùy theo lĩnh vực - PV). Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý không tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.

Với tư cách là đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, TS Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính ( Bộ Tư pháp) cho biết quy định như dự thảo đảm bảo 2 yếu tố vừa không bỏ lọt hành vi vi phạm,vừa ràng buộc trách nhiệm cơ quan tố tụng, phải kịp thời chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính nếu vụ việc không cấu thành tội phạm, không để dây dưa kéo dài. “ Chúng ta tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền con người trong xử lý vi phạm hành chính nhưng cũng đồng thời đảm bảo hiệu lực hiệu năng của quản lý nhà nước”, ông Huy nói.

Ngân Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-xuat-keo-dai-thoi-hieu-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-khi-nao-post1742375.tpo