Gia Lai tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng-chống thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm

Ngày 14-5, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản số 1314/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng-chống thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), giám sát nguy cơ ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11-10-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; nhấn mạnh nội dung người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.

Các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền về kiến thức bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm cần chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản bảo đảm an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh ATTP trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

 UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Ảnh: Như Nguyện

UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và công khai các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Ảnh: Như Nguyện

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp). Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm; phổ biến kiến thức và các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm cho Nhân dân. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền quản lý của UBND tỉnh; trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở thực phẩm tại khu vực có nguy cơ cao, các địa bàn trọng điểm, các chợ và trường học trên địa bàn, nơi có bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố phục vụ nhu cầu của nhiều người tiêu dùng, công nhân, học sinh, khách đi du lịch, lễ hội; xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.

Sở Y tế tăng cường giám sát chất lượng nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và ăn uống, sinh hoạt; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo đến người tiêu dùng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sản phẩm thực phẩm, nước uống, nước sạch không bảo đảm ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định. Củng cố, duy trì việc giám sát ngộ độc thực phẩm trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của ngành Y tế từ tỉnh đến thôn, bản; kịp thời triển khai điều tra, khắc phục các sự cố về ATTP thuộc trách nhiệm của ngành. Ngành Y tế tổ chức cấp cứu, điều trị cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh sản xuất chuyên canh, thâm canh rau, quả, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển chăn nuôi trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP; đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm bảo đảm an toàn theo chuỗi; triển khai quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định.

Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Ngành; đẩy mạnh việc kiểm soát điều kiện ATTP đối với hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm.

Triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm trước và sau thu hoạch, khi lưu thông, kinh doanh trên thị trường; kịp thời cảnh báo, khuyến cáo đến người tiêu dùng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát dịch, bệnh trên đàn vật nuôi và kịp thời xử trí, can thiệp khi phát sinh các bệnh, dịch.

 Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025. Ảnh: Như Nguyện

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025. Ảnh: Như Nguyện

Đồng thời, đơn vị phối hợp với ngành Y tế trong điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm; chủ trì thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý theo quy định.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm chưa thực hiện thủ tục tự công bố đăng ký bản công bố, thực phẩm kém chất lượng trên thị trường; kiểm tra rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh thực phẩm trên các ứng dụng trên, nhằm phát hiện các sản phẩm thực phẩm chưa thực hiện việc công bố, vi phạm quảng cáo,... để gỡ bỏ thông tin...

Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc quy hoạch, phát triển các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, quản lý ATTP các chợ theo phân cấp; tăng cường kết nối cung-cầu thực phẩm an toàn theo chuỗi, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm thực phẩm an toàn. Triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, kiểm soát chặt chẽ phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử đối với các sản phẩm thực phẩm theo quy định...

Trong văn bản, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng-chống thực phẩm giả, ngộ độc thực phẩm.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-tang-cuong-bao-dam-an-toan-thuc-pham-phong-chong-thuc-pham-gia-ngo-doc-thuc-pham-post323218.html