Đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu nêu những sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
(Đồng chí Triệu Kim Dẫn - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn)
Năm 2022, xã Chiềng Ken mới đạt 12/19 tiêu chí, 7 tiêu chí chưa đạt. Để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, hằng năm, Đảng ủy, UBND xã Chiềng Ken đã chỉ đạo, quán triệt sâu rộng nội dung các nghị quyết và chương trình hành động của Huyện ủy, Đảng ủy xã tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự chung sức đồng lòng của người dân; xây dựng kế hoạch nông thôn mới chi tiết thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí và công tác tuyên truyền gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí thành viên ban chỉ đạo phụ trách từng chỉ tiêu, tiêu chí, từng thôn.
Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước của Nhân dân để hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển thương mại nâng cao thu nhập và đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn.
Đến ngày 31/7/2024, xã Chiềng Ken đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí và xã đang đẩy nhanh tiến độ đổ một tuyến đường giao thông nông thôn hoàn thành vào tháng 8/2024, đảm bảo đạt 100% các tiêu chí nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Chiềng Ken đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Do đó, từng lĩnh vực thực hiện, từng nội dung tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đều có sự tham gia, đóng góp của Nhân dân.
Xã Chiềng Ken đề nghị tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực, hỗ trợ nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và quá trình thẩm định các tiêu chí để xã “về đích” nông thôn mới đúng hẹn; tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông, điểm đến du lịch Đền Ken
Cốt lõi là nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân
(Đồng chí Tráng A Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền, huyện Bắc Hà)
Xã Bản Liền luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm hàng đầu.
Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 15/2/2022 về tăng cường sự lãnh đạo về thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, đồng thời ban hành kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xác định rõ từng nhiệm vụ, giải pháp đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí, đặc biệt đối với 4 tiêu chí chưa đạt (giao thông, thu nhập, hộ nghèo, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm).
Xã phân công từng đồng chí thành viên ban chỉ đạo xã thường xuyên bám sát tại các thôn, hộ dân để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện từng nội dung cụ thể, chịu trách nhiệm kết quả về tiêu chí mình phụ trách. Hằng tuần, tháng, quý, Thường trực Đảng ủy, Ban Chỉ đạo, UBND xã đã tổ chức các cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện, bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành các tiêu chí.
Đến hết tháng 8/2024, xã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và diện mạo nông thôn Bản Liền có nhiều khởi sắc.
Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 39,07 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 43,95%. Trong xây dựng nông thôn mới, xã xác định phát triển sản xuất là yếu tố cốt lõi để nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Trên địa bàn hình thành rõ nét vùng sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ tập trung, diện tích trên 1.100 ha, được liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; tiềm năng về du lịch cộng động đang từng bước được khai thác hiệu quả; các công trình hạ tầng được quan tâm đầu tư tạo động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xã Bản Liền sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Tích cực vận động hội viên thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới
(Đồng chí Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)
Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn của Đảng và Nhà nước.
Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tới cơ sở và hội viên nông dân, tập trung vào các vấn đề, đó là: Nâng cao nhận thức, củng cố tổ chức hội, nâng cao chất lượng hội viên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương để phát triển kinh tế hộ gia đình, đảm bảo cho việc hoàn thành tiêu chí thu nhập.
Tiếp tục hình thành mô hình liên kết 6 nhà bằng cách xây dựng các hình thức liên kết, liên doanh, phát triển chi - tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cường đào tạo nghề, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất tại các địa phương.
Mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng và nhân rộng các mô hình dân vận khéo, đăng ký việc làm mới, chú trọng bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh trong hội viên, nông dân.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tập trung vào việc nâng cao thu nhập của hộ nông dân nông thôn; trên cơ sở thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể; phối hợp phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…
Hội Nông dân tỉnh đề nghị tiếp tục quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với MTTQ và các đoàn thể trong việc đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát huy kinh tế tập thể, hỗ trợ tư liệu sản xuất để nông dân để tham gia thiết thực trong việc nâng cao thu nhập để sớm hoàn thành tiêu chí 10 trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường chỉ đạo, tập trung vào một số tiêu chí còn chưa bền vững như chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, trường học, tổ chức sản xuất, cải tạo các tập quán lạc hậu trong đời sống, sản xuất.
Chỉ đạo các cấp, các ngành xem xem xét rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nông thôn yên tâm ổn định nơi ở, nơi sản xuất.
Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp ứng dụng trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp (huyện, xã), đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự; đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới.
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong xây dựng nông thôn mới
(Đồng chí Giàng Thị Mai, Bí thư Tỉnh đoàn)
Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng đối các cấp bộ đoàn trên toàn tỉnh.
Một trong những kết quả nổi bật là các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, như cung cấp thông tin thị trường, kiến thức, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh, kết nối các sản phẩm đổi mới sáng tạo; tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp.
Tỉnh đoàn đã tham gia Đề án “Hỗ trợ thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”; tham gia Ban Quản lý dự án phát triển cộng đồng thông qua giáo dục giai đoạn 2020 - 2023 và triển khai các hợp phần hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Hợp phần “vườn ươm doanh nghiệp” đã thu hút tổng cộng 41 mô hình thanh niên khởi nghiệp tham gia dự án; triển khai các cuộc thi khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn; tiếp tục hỗ trợ thanh niên tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP....
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định tập trung chỉ đạo, triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên về mục đích, ý nghĩa của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.
Chỉ đạo các cơ sở đoàn chủ động đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên thiết thực, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, đơn vị; lựa chọn các tiêu chí tham gia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên nông thôn tại cơ sở.
Tiếp tục hỗ trợ thanh niên xây dựng các mô hình điển hình trong nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mở rộng thị trường, phát triển ngành nghề mới; phát triển các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thanh niên.
Tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển tổ chức đoàn, với trọng tâm hướng về cơ sở, nâng cao tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi đua, khen thưởng để phong trào đạt hiệu quả cao nhất.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
(Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chỉ thị 13-CT/TU ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định người dân và cộng đồng dân cư là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, để nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.
Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 13 - “tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” là một trong những rào cản để các địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhận thức được vấn đề này, ngành nông nghiệp đã tham mưu, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của người dân, thực hiện xây dựng nông thôn mới phải gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”. Chính điều này đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiệu quả.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 47 mô hình liên kết các sản phẩm nông nghiệp, trong đó 16 doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân và 26 hợp tác xã tham gia liên kết với các hợp tác xã và hộ nông dân; quy mô liên kết 11.000 ha với khoảng 12.000 hộ dân tham gia; tổng giá trị liên kết tiêu thụ đạt trên 1.200 tỷ đồng.
Ngoài ra, triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, toàn tỉnh có 81 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; các dự án tập trung chủ yếu phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh (dược liệu, chè, dứa, chuối, lợn); cây ăn quả ôn đới.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, lợi ích tham gia chuỗi giá trị cho người sản xuất, doanh nghiệp; tăng cường giới thiệu gương điển hình tiên tiến, các mô hình liên kết/chuỗi giá trị sản xuất; đẩy mạnh vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển từ mô hình sản xuất hộ gia đình sang hợp tác, liên kết sản xuất chuỗi giá trị, tạo ra nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.
Cần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ giới thiệu kết nối doanh nghiệp có năng lực, uy tín tham gia liên kết tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất.
Coi trọng và phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể, vị thế, năng lực của nông dân trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tăng sự liên kết ngang trong sản xuất với sự tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; coi trọng khuyến khích và tổ chức nhiều mô hình liên kết dọc giữa nông dân với các doanh nghiệp, giúp giảm thiểu các khâu trung gian làm tăng chi phí đầu đầu vào, giảm giá trị đầu ra, gây thiệt hại cho người sản xuất.