Tập đoàn Syre đề xuất làm Tổ hợp sản xuất tái chế vải: Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành
Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao của Tập đoàn Syre nếu dự án vượt trội về công nghệ sản xuất, có khả năng đóng góp cho kinh tế xã hội Việt Nam và có khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với UBND tỉnh Bình Định về dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao của Tập đoàn Syre
Hình thành tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với tỉnh Bình Định ngày 19/2/2025 về dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao của Tập đoàn Syre, ông Johan Ndisi - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, Việt Nam - Thụy Điển có mối quan hệ lâu dài và có chiều sâu, vừa qua, hai nước cũng đã kỷ niệm 55 thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến nay, quan hệ giữa hai nước đã được đẩy lên mức cao hơn là quan hệ chiến lược cả về mặt thương mại.
Đại sứ Johan Ndisi bày tỏ niềm tự hào khi là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đồng thời, bày tỏ vui mừng khi nhiều doanh nghiệp Thụy Điển là những doanh nghiệp lớn và tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ xanh và kỹ thuật số đã tham gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, qua đó góp phần tạo việc làm cho người dân Việt Nam và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp vốn có của hai nước. Điển hình là Tập đoàn Syri - một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi tiên tiến của Thụy Điển.
Như Tạp chí Công Thương đã đưa tin trước đó, Tập đoàn Syre được thành lập năm 2023 bởi Vargas Holding, một nhà đầu tư toàn cầu và Tập đoàn bán lẻ Thụy Điển H&M Group. Tập đoàn Syre là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát triển xanh, đặc biệt là phát triển kinh tế bền vững và kinh tế tuần hoàn.
Tập đoàn đang hướng tới chuyển đổi chuỗi giá trị từ hệ thống tuyến tính sang hệ thống tuần hoàn bằng cách sử dụng chất thải dệt để tạo ra các sản phẩm polyester tuần hoàn chất lượng cao. Tập đoàn dự kiến đầu tư Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao tại tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư từ 700 triệu - 1 tỷ USD.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã giới thiệu Tập đoàn Syre - doanh nghiệp điển hình, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi tiên tiến của Thụy Điển mong muốn đầu tư Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester công nghệ cao tại Bình Định
Dự án được đầu tư với mục tiêu thiết lập trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU, định hướng phát triển theo mô hình Net Zero. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn dầu trong việc phát triển nền kinh tế dệt may tuần hoàn.
Theo ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, từ nguyên vật liệu ban đầu là phế liệu dệt may, quần áo cũ đã qua sử dụng, phê liệu vải,... Dự án sẽ loại bỏ các nguyên phụ liệu, ứng dụng công nghệ để sản xuất thành nhựa PET, sau đó kéo sợi polyester từ sản phẩm nhựa PET đã qua xử lý.
Để làm được điều này, Dự án có nhu cầu nhập khẩu quần áo, vải vóc đã qua sử dụng (mã HS 6309) và vải vụn từ quá trình sản xuất (mã HS 6310) làm đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên, quần áo, vải vóc đã qua sử dụng (Mã HS 6309) thuộc Danh mục hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng cấm nhập khẩu theo quy định hiện hành.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Dự án của Tập đoàn Syre có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, tạo nhiều việc làm và đóng góp vào nền kinh tế xanh.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định cùng Tập đoàn Syre đề nghị Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thí điểm cơ chế đặc thù cho phép nhập khẩu quần áo, vải vóc đã qua sử dụng nhằm phục vụ sản xuất trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, có hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án.
Bộ Công Thương sẵn sàng đồng hành nếu Dự án đáp ứng các yêu cầu
Sau khi nghe phát biểu của Đại sứ Johan Ndisi và đại diện Tập đoàn Syre, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, EU, trong đó có Thụy Điển, là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Từ khi hai bên ký Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư, làn sóng đầu tư cũng như quan hệ kinh tế thương mại tăng lên rất nhanh sau mỗi năm. Vì vậy, Việt Nam và Thụy Điển cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước lên một tầm cao mới, trong đó có những đề xuất cụ thể liên quan đến dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hoàn toàn ủng hộ dự án nếu đáp ứng được động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới là đầu tư và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Việt Nam được xem là công xưởng của thế giới với kim ngạch thương mại hàng năm tăng 15-17%, quy mô thương mại gần 800 tỷ USD. Liên tục trong những năm qua, Việt Nam đứng thứ 18 trong số các quốc gia có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm vừa qua đều ở mức 6,5-7%/năm, dự kiến đạt 8% trong năm 2025 và phấn đấu đạt từ 10% trở lên trong những năm tiếp theo dựa vào ba động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng đã đặt ra, Việt Nam vừa phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, vừa phải thúc đẩy tạo ra những động lực mới như: ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ.
"Như vậy, những đề xuất của Tập đoàn Syre đưa ra đều đã đáp ứng được động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới là đầu tư và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, Bộ Công Thương hoàn toàn ủng hộ dự án này." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao của Tập đoàn Syre nếu dự án vượt trội về công nghệ sản xuất, có khả năng đóng góp cho kinh tế xã hội Việt Nam và có khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc nhập khẩu tái chế thì vấn đề môi trường là quan trọng nhất, vì thế, Việt Nam rất quan tâm về những công nghệ mà Tập đoàn Syre sẽ áp dụng trong quá trình sản xuất và các công đoạn tẩy, nhuộm, hấp, hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, các công nghệ này cần bảo đảm sạch, an toàn cho môi trường, đáp ứng về việc xử lý nước thải và rác thải của dự án. Bên cạnh đó, việc lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước để tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ có thể nội địa hóa hoặc kết nối các doanh nghiệp trong nước để cùng thực hiện mục tiêu của dự án. Đặc biệt, dự án cần chứng minh được hiệu quả về kinh tế xã hội đối với Việt Nam.
Theo đó, Bộ trưởng cho biết, khi có câu trả lời cho những vấn đề nêu trên thì sẽ tìm được cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong quá trình triển khai dự án. Nếu Tập đoàn Syre chứng minh được sự vượt trội của dự án về công nghệ sản xuất, khả năng đóng góp về kinh tế xã hội cho Việt Nam cũng như khả năng tạo thành chuỗi sản xuất khép kín trong nước thì Bộ Công Thương sẵn sàng tham mưu cấp có thẩm quyền để có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án.