Chủ tịch TP.HCM nêu loạt giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng 10%

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trước mắt để hoàn thành mục tiêu thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025.

Thông tin trên được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đề cập tại hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, sáng 21/2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được.

TP.HCM phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, năm 2025, thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10% năm 2025.

Nhận định đây là nhiệm vụ hết sức là nặng nề, khó khăn nhưng không thể không làm, ông Nguyễn Văn Được đề xuất một số giải pháp trọng tâm, trước mắt để hoàn thành mục tiêu.

Về nhiệm vụ trước mắt, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cần đưa bộ máy sau sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, đúng theo tinh thần tinh - gọn - mạnh từ năng lực đến hiệu quả và không để tình trạng gián đoạn trong quản lý Nhà nước.

Cùng đó, TP.HCM tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, các cái dự án tồn đọng, các dự án có vướng mắc. Thành phố sẽ phân loại, có giải pháp cụ thể cho từng nhóm, từng vướng mắc và xin ý kiến của Chính phủ cũng như ý kiến các bộ ngành để có giải pháp tháo gỡ, để các dự án đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn lực để cho thành phố phát triển trong thời gian tới.

Liên quan đến việc giải quyết các điểm nghẽn, xử lý các dự án tồn đọng, dự án dừng thi công, khẩn trương triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng để chống lãng phí, thất thoát, ông Nguyễn Văn Được cho hay, TP.HCM sẽ rà soát và xử lý các vướng mắc, báo cáo các cấp thẩm quyền và các ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn.

Một nhiệm vụ trước mắt nữa được Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập là huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội để tập trung cho đầu tư phát triển và lấy đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư và chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố rà soát, đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, phấn đấu đến 2025 khởi công 2 dự án trong 5 dự án đầu tư BOT theo nghị quyết của Quốc hội.

Cùng với nhiệm vụ triển khai ngay quy hoạch của thành phố sau khi Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM tiếp tục duy trì và làm mới các động lực tăng trưởng, tận dụng các cơ hội mới cho thành phố phát triển như chương trình hành động của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

"Thành phố tiếp tục hứa với Thủ tướng, vì cả nước, vì đồng bào thành phố sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như Thủ tướng đã kỳ vọng", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nói.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

Lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

Cũng tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng 7% đạt hơn 20 tỷ USD.

Đến ngày 20/2, Hà Nội thu được là 171.000 tỷ đồng ngân sách và đạt 34% kế hoạch dự toán năm 2025.

Thời gian tới, ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ, Hà Nội sẽ phát huy các động lực và nguồn lực truyền thống.

"Về nguồn đầu tư công, Hà Nội phấn đấu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông lớn như cầu, đường sắt đô thị; tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án chậm triển khai", Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề cập.

Song song với đó, Hà Nội sẽ cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân. Điều này nhằm đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách Nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI khoảng 3 tỷ USD; thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng; tập trung vào hạ tầng điện, đảm bảo năng lượng sản xuất, tiêu dùng; tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 7%.

Thủ đô cũng đặt mục tiêu có khoảng 190 sản phẩm và 120 doanh nghiệp được công nhận là công nghiệp chủ lực.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 14 %, giá trị ngành vận tải logistics tăng trên 7,7% và tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đặc sắc để có thể tăng doanh thu du lịch trên 13%.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện.

Theo đó, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn.

Cụ thể như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên 50% (khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động); phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ; phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD); lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Cũng theo ông Trần Sỹ Thanh, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án, chương trình phát triển các mô hình tăng trưởng mới như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, đặc biệt là các vấn đề mà Quốc hội, Trung ương đã giao trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, trong đó có Luật Thủ đô.

Anh Nhật

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chu-tich-tp-hcm-neu-loat-giai-phap-thuc-hien-muc-tieu-tang-truong-10-ar927286.html