Đề xuất lập cơ quan điều phối khai thác, sử dụng tài nguyên cát toàn vùng ĐBSCL

Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 8 giờ hôm nay đến hết buổi làm việc sáng 6-6. Sáng nay, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT). Báo SGGP tường thuật trực tiếp nội dung làm việc.

Nhiều tồn tại, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về địa chất, khoáng sản được Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh nêu rõ trong báo cáo trả lời chất vấn gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB) trước phiên trả lời chất vấn tại nghị trường sáng 4-6.

Chẳng hạn như, Luật Khoáng sản hiện hành (năm 2010) chưa quy định đầy đủ việc điều chỉnh các hoạt động liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, thông tin, dữ liệu địa chất; việc xử lý khi không làm tròn trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương; thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; chưa phân định quy trình, thủ tục, hồ sơ lập quy hoạch, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các loại khoáng sản khác nhau; chưa có quy định cụ thể việc hạch toán các chi phí phục hồi môi trường; hỗ trợ xây dựng, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng do hoạt động khoáng sản gây ra.

“Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa ban hành kịp thời; quy định về thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu... chưa khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị tiên tiến khai thác, chế biến để thu hồi tối đa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm khoáng sản”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận định.

 Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Theo Bộ trưởng, trong mục tiêu quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa đạt tiến độ, một phần do việc cấp vốn không đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản chưa rõ ràng, doanh nghiệp chưa thấy rõ quyền lợi khi tham gia.

Việc ấn định công suất khai thác đối với các khu vực mỏ khoáng sản trong quy hoạch (mới có số liệu điều tra, đánh giá sơ bộ) chưa hợp lý, khó khả thi khi cấp phép, do công suất khai thác phải được xác định dựa trên kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng.

Thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị; nhân lực mỏng, thiếu trong khi địa bàn, đối tượng quản lý trong hoạt động khoáng sản rộng lớn, phức tạp… cũng là những bất cập đáng kể được người đứng đầu ngành TN-MT đề cập.

 Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội” sẽ được Bộ TN-MT gấp rút tiến hành

Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội” sẽ được Bộ TN-MT gấp rút tiến hành

Cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật Địa chất và Khoáng sản tại kỳ họp này (dự kiến trình thông qua vào kỳ họp cuối năm nay), Bộ trưởng khẳng định, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, tính minh bạch trong việc kiểm soát hoạt động khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành địa chất, khoáng sản.

Cùng với đó sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; góp phần xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Luật Địa chất và Khoáng sản tại kỳ họp này (dự kiến trình thông qua vào kỳ họp cuối năm nay).

- Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh -

Đáng lưu ý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tại các vùng có triển vọng như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và ven biển, đặc biệt là khoáng sản phân bố ở tầng sâu.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh có liên quan trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy hoạch, đảm bảo dự án khai thác, chế biến (tuyển) sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên liệu ổn định, lâu dài cho dự án chế biến sâu.

Bộ TN-MT cũng sẽ tập trung thực hiện dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” đảm bảo chất lượng, thời hạn, nhằm kịp thời chuyển giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, lập quy hoạch, thăm dò, khai thác; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, tối đa khả năng sử dụng cát biển trong xây dựng, giao thông và lĩnh vực khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Một đề án khác có liên quan là “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng ĐBSCL phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội” cũng sẽ được gấp rút tiến hành, nhằm chuyển giao cho các địa phương làm cơ sở quy hoạch, thăm dò, khai thác bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều giải pháp khác cũng đã được Bộ trưởng Bộ TN-MT đề cập, trong đó có việc đẩy mạnh điều tra, nghiên cứu và đánh giá các nguồn nguyên liệu làm cát nhân tạo tại các địa phương có nguy cơ thiếu hụt nguồn cát sông và lập cơ quan có đủ thẩm quyền điều phối khai thác, sử dụng tài nguyên cát toàn vùng ĐBSCL.

 Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Các đại biểu dự phiên chất vấn sáng 4-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tính đến tháng 12-2023, cả nước có khoảng 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng thông thường. Trong số gần 4.000 khu vực khoáng sản nêu trên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm gần 3.000 khu vực với tổng trữ lượng được phê duyệt năm 2023 là gần 500 triệu m3, sản lượng khai thác vào khoảng 143 triệu m3.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-xuat-lap-co-quan-dieu-phoi-khai-thac-su-dung-tai-nguyen-cat-toan-vung-dbscl-post742870.html