Đề xuất lắp mái che đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM): Những ý kiến trái chiều
Đề xuất về lắp mái che trên đường Lê Lợi được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Là một trong những con đường 'đắt đỏ' bậc nhất TPHCM nên không quá ngạc nhiên khi đề xuất này đã ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Đảm bảo an toàn không gian ngầm
Ngay khi có dư luận nhiều chiều xung quanh đề xuất về lắp mái che trên đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), bà Trương Quang Thục Trinh - Phó Trưởng phòng Quy hoạch khu vực 1 thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TPHCM đã cung cấp thêm thông tin báo chí về vấn đề này. Theo đó, đây mới là giai đoạn đề xuất, bước đầu nghiên cứu, sau đó sẽ xin chủ trương của UBND thành phố.
Theo bà Trinh, hiện nay khi việc thi công Metro số 1 (lộ trình Bến Thành - Suối Tiên) có tuyến ngầm đoạn qua đường Lê Lợi (quận 1) đã cơ bản hoàn thành và mặt đường Lê Lợi được tái lập giao lại mặt bằng cho Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM quản lý. Theo quy hoạch, ngoài không gian ngầm tuyến Metro số 1, khu vực còn có không gian ngầm về thương mại - dịch vụ. Ngoài ra, ngay khi tuyến đường Lê Lợi cơ bản đã được tái lập, công tác hoàn trả cây xanh là nguyên tắc chính và nằm trong kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền và các đơn vị liên quan thực hiện.
“Các đơn vị này có trách nhiệm tái lập, trồng lại cây xanh tại đây theo đúng hạ tầng kỹ thuật như trước khi thi công tuyến Metro số 1” - bà Trinh cho biết.
Trước đó, Sở QHKT TPHCM đề xuất UBND thành phố làm mái che vỉa hè trên đường Lê Lợi (quận 1) để tăng tính hấp dẫn, tạo không gian thương mại, mua sắm dọc tuyến phố này thêm sinh động hơn. Đề xuất này căn cứ trên thực tiễn sau khi tuyến Metro số 1 hoàn trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng và giao thông thông thoáng.
Đáng chú ý, đề xuất nhận định hiện trạng tuyến đường không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước, do đó giải pháp là lắp mái che để vừa đạt được hiệu quả che nắng, che mưa mặt trên của đường hầm Metro số 1, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - dịch vụ trên một trong những tuyến đường “đắt đỏ” bậc nhất TPHCM.
Theo phương án đề xuất, vỉa hè đường Lê Lợi mỗi bên có chiều rộng trung bình 5,5-6m nên được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m. Vật liệu mái che sẽ sử dụng các chất liệu đẹp, bền vững, tiết kiệm chi phí kết hợp các loại vật tư với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Nguồn kinh phí ước tính sơ bộ khoảng 20-30 tỷ đồng có thể được huy động từ xã hội hóa; nguồn đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (được thụ hưởng từ việc lắp mái che) hoặc từ ngân sách nhà nước.
Nhiều ý kiến phản biện
Theo KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty Bhomes, đường Lê Lợi là trục đường thương mại dịch vụ quan trọng bậc nhất của TPHCM nằm ngay trung tâm, là nơi dừng chân của du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố. Đây cũng là trục giao thông quan trọng kết nối giữa các công trình trọng điểm của TPHCM như chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố với phố đi bộ Nguyễn Huệ và các công trình văn hóa - lịch sử khác. Vì ý nghĩa như vậy nên mọi nghiên cứu, đề xuất đối với trục đường Lê Lợi cần phải được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Hiến kế với đơn vị đề xuất mái che trên tuyến đường Lê Lợi, kỹ sư Trần Văn Long - Trưởng đoàn giám sát dự án của Công ty CP Vinhomes cho rằng, việc thiết kế mái che để phù hợp với không gian ngầm Nhà ga Metro số 1 và công trình ngầm thương mại dịch vụ, khu trung tâm nhưng nên chăng kết hợp hài hòa với không gian xanh. Theo ông Long, để đảm bảo độ bền cũng như không ảnh hưởng đến các không gian ngầm thì chủng loại cây xanh như thế nào cũng phải lựa chọn phù hợp, trách nhiệm này sẽ do đơn vị chủ quản về cây xanh nghiên cứu. Quá trình này cần có thời gian và phân thành nhiều giai đoạn để thực hiện. Về việc làm mái che, ông Long cho rằng nếu xen cài cùng cây xanh để tạo thành các nhà chờ cho khách du lịch và người dân đến tham quan và tham gia các hoạt động công cộng tại tuyến đường này cũng là một giải pháp phù hợp.
Trong khi đó, một số ý kiến khác đề xuất, nên chăng có một giải pháp hài hòa giữa cây xanh (tái lập 1 phần so với thời điểm trước khi thi công tuyến ngầm phục vụ Metro số 1), đồng thời lắp đặt thêm mái che như các nhà chờ để phục vụ cho du khách quốc tế thường xuyên lui tới trên tuyến đường này.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các bên, trong đó có cả ý kiến của người dân, chuyên gia về đề xuất lắp mái che trên đường Lê Lợi của Sở QHKT. Trong khi đó, đại diện UBND quận 1 (TPHCM) cũng đã nêu quan điểm sẽ làm rõ một số vấn đề về biện pháp kỹ thuật; hình thức kiến trúc cảnh quan khu vực và về kinh phí thực hiện mái che theo đề xuất kể trên. Lý do hiện nay các dãy nhà hai bên tuyến đường được xây dựng từ trước năm 1975, đã hết niên hạn sử dụng. Do đó, khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần được tính toán chi tiết để đảm bảo an toàn sử dụng, chưa kể cần tính toán đến các biện pháp đảm bảo thoát nước, công tác thu gom rác…