Đề xuất loại dự án của ông Nguyễn Cao Trí khỏi công trình trọng điểm ở Lâm Đồng

Cho rằng việc thực hiện dự án Khu đô thị Đại Ninh trong giai đoạn 2020-2025 không khả thi, Sở Tài chính Lâm Đồng đề xuất đưa dự án ra khỏi danh sách công trình trọng điểm của tỉnh.

Liên quan đến Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Đại Ninh), huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng khiến loạt quan chức tỉnh Lâm Đồng và Trung ương vướng lao lý, Sở Tài chính vừa có ý kiến về dự án này.

Theo đó, đầu tháng 6/2024, đơn vị này nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phối hợp đề xuất triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm.

Một vài công trình kiến trúc xây dựng dang dở tại Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám

Một vài công trình kiến trúc xây dựng dang dở tại Khu đô thị Đại Ninh. Ảnh: Hoàng Giám

Khi được yêu cầu cho ý kiến về dự án Khu đô thị Đại Ninh, Sở Tài chính Lâm Đồng cho biết hiện nay, cơ quan CSĐT Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang điều tra, kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án này.

Đồng thời, hồi tháng 3 năm nay, UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý các nội dung liên quan dự án Khu đô thị Đại Ninh. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị được giao xem xét các quy định, cơ sở pháp lý để thu hồi đất, thu hồi dự án.

Sở Tài chính Lâm Đồng đánh giá, cơ sở, điều kiện để thực hiện dự án trong nhiệm kỳ 2020-2025 là không khả thi. Vì vậy, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét đưa dự án Khu đô thị Đại Ninh ra khỏi danh sách các công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Như VietNamNet đã thông tin, dự án Khu đô thị Đại Ninh do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư. Đây là 1 trong 7 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025, nằm ở huyện Đức Trọng.

Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án vào tháng 12/2010. Dự án có quy mô 3.595,5ha, vốn đầu tư dự kiến 25.243 tỷ đồng.

Tính đến tháng 1/2024, công ty này đã hoàn thành một số thủ tục của dự án như: Chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, điều chỉnh tiến độ dự án…

Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã xây dựng một số công trình kiến trúc, san gạt đường giao thông, rải đá dăm vài tuyến đường. Tổng vốn đã đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị Đại Ninh liên quan đến hai vụ án. Ảnh: Hoàng Giám

Dự án Khu đô thị Đại Ninh liên quan đến hai vụ án. Ảnh: Hoàng Giám

Theo giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, dự án Khu đô thị Đại Ninh dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018. Sau khi được giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã để hơn 368ha rừng bị phá và lấn chiếm.

Năm 2017, Sở Tài chính Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng với số tiền gần 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, công ty trên mới chỉ nộp gần 1,7 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, tại kết luận thanh tra số 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Khu đô thị Đại Ninh.

Đến tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra số 1033/KL-TTCP về việc sửa đổi một số nội dung của kết luận thanh tra số 929, trong đó có nội dung rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án Khu đô thị Đại Ninh; đồng thời, giao UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục điều chỉnh tiến độ và gia hạn cho dự án.

Liên quan đến dự án Khu đô thị Đại Ninh, hàng loạt quan chức của tỉnh Lâm Đồng và Trung ương bị khởi tố, bắt giam để phục vụ công tác điều tra. Đó là các ông: Trần Đức Quận - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Ánh - Chánh Thanh tra tỉnh; Mai Tiến Dũng - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và bà Trần Bích Ngọc - Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ.

Dự án Khu đô thị Đại Ninh cũng được nhắc đến trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, giai đoạn 2020-2022, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Capella, đã từng bước thâu tóm phần lớn cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Sau đó, ông Trí đã thỏa thuận bán 100% vốn Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc cho ông Trí hơn 463 tỷ đồng nhưng sau đó đổi ý không mua. Số tiền này được chuyển thành tiền thanh toán cho một giao dịch khác giữa bà Lan và ông Trí.

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/de-xuat-loai-du-an-cua-ong-nguyen-cao-tri-khoi-cong-trinh-trong-diem-o-lam-dong-2292442.html