Đề xuất luật sư đại diện chính quyền tham gia tranh tụng: Luật cho phép nhưng không dễ thực hiện
Đề xuất của lãnh đạo TP Thủ Đức (TPHCM) về cơ chế để luật sư (LS) đại diện chính quyền tham gia tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính quyền, đang nhận được sự quan tâm của các LS, chuyên gia pháp lý. Có ý kiến cho rằng đây có thể là một bước tiến. Thực tế việc này ra sao?
Chưa có cơ chế, nguồn lực
Tại buổi giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về việc thực hiện quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng đề xuất cơ chế để LS đại diện cho chính quyền tham gia tranh tụng. Theo ông Hoàng Tùng, qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy, LS tham gia đại diện cho cá nhân, tổ chức ngày càng nhiều. Đây là xu hướng tiến bộ, giúp việc giải quyết khiếu nại của người dân được thuận lợi hơn vì nhiều LS am hiểu pháp luật, có thể giải thích cho thân chủ của mình hoặc tranh luận với cơ quan nhà nước làm sáng tỏ nhiều điều.
Ông Hoàng Tùng cũng thông tin, UBND TP Thủ Đức và Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đang là bị đơn của hơn 400 vụ kiện khác nhau. Đa phần các vụ này được ủy quyền cho các phòng ban chức năng tham gia đại diện, tranh luận trước tòa. Dù vậy, không phải lúc nào cán bộ cũng có đủ kinh nghiệm, kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế huy động LS để đại diện cho chính quyền tham gia tranh tụng; đồng thời, nếu được huy động LS thì cũng không biết ghi vào nguồn nào để thực hiện. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất có hành lang pháp lý cho việc này.
Đề xuất của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nêu ra trong bối cảnh việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đang là áp lực không nhỏ với nhiều cơ quan, đơn vị ở TPHCM. Tương tự, việc giải quyết các vụ án hành chính cũng đang có nhiều tồn đọng. Năm 2021, TAND hai cấp tại TPHCM chỉ giải quyết được 347/1.360 vụ án hành chính (đạt 25,5%). Chia sẻ về việc được ủy quyền tham gia vụ án hành chính, ông Nguyễn Ngọc P., cán bộ Phòng TN-MT của một huyện ngoại thành, cho biết, ông đã “đeo bám” vụ án suốt nhiều năm. Trong thời gian đó, ông phải nhiều lần đi đi về về tham gia đối thoại, công khai chứng cứ và hòa giải... Mà đây không phải vụ duy nhất ông đang “theo”. Do đó, ông P. đề xuất có cơ chế cho phép LS đại diện chính quyền tham gia tranh tụng, để các cán bộ, công chức có thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người dân được tốt hơn.
Khó do vụ việc phức tạp, kéo dài
Trao đổi với PV Báo SGGP về đề xuất trên, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM, cho biết, quy định hiện nay có cho phép các cơ quan nhà nước thuê LS tư vấn pháp lý hoặc làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đối với băn khoăn về chi phí thuê LS hoặc việc LS tham gia có thể làm lộ “thâm cung bí sử” công việc của cơ quan nhà nước, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng những việc này không đáng ngại. Ông nói: “Với nhiều LS, chi phí không phải là vấn đề duy nhất khi nhận một vụ việc. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS Việt Nam cũng quy định LS có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng, ngay cả khi đã kết thúc dịch vụ”.
Chánh Tòa Hành chính TAND TPHCM Trương Thế Trọng khẳng định, về mặt tố tụng hành chính, người bị kiện cũng là một đương sự. Chế định về người đại diện được áp dụng cho cả hai bên - người khởi kiện và người bị kiện. Tuy nhiên, thực tế chưa có việc chính quyền thuê LS làm đại điện. Ông phân tích, cần xét đến hai mặt trong một vụ án. Về mặt tố tụng, LS sẽ chuyên nghiệp hơn, am hiểu hơn so với cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước.
Còn về chuyên môn, những người làm trong bộ máy nhà nước sẽ hiểu rõ lĩnh vực, vụ việc nhất. Họ cũng hiểu ngọn ngành đúng sai của quyết định mà mình đã thực hiện. Vì vậy, nếu kết hợp được hai yếu tố này trong cùng một người thì sẽ tạo thuận lợi trong quá trình giải quyết vụ án. “Lý tưởng nhất là cán bộ, công chức nhà nước tham gia tố tụng là người nắm lĩnh vực, am hiểu về pháp luật, am hiểu về tố tụng”, thẩm phán Trương Thế Trọng nêu ý kiến.
Một chủ tịch UBND cấp huyện tại TPHCM cho biết, ông chưa từng ra tòa để tranh luận với người khởi kiện, mà thường ủy quyền cho cán bộ phòng ban chuyên môn. Khá bất ngờ với đề xuất để LS đại diện cho cơ quan nhà nước tham gia giải quyết vụ án, vị này cho rằng rất khó thực hiện. Lý do là nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm, có lẽ chỉ cán bộ, công chức với trách nhiệm công vụ của mình mới có thể kiên trì với công việc căng thẳng và thù lao gần như… không có này.
Theo TAND TPHCM, phần lớn các vụ án hành chính tòa thụ lý là những khiếu kiện có tính chất phức tạp, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như quản lý đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; lĩnh vực thuế, hải quan. Đặc biệt, gần đây, khi TPHCM siết chặt công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, các khiếu kiện liên quan đến cưỡng chế xây dựng tăng cao.
Tại huyện Bình Chánh - địa bàn ngoại thành luôn “nóng” về trật tự xây dựng, thời gian gần đây nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu nại, tố cáo đều liên quan đến các quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng; tố cáo người thi hành công vụ trong tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm.