Đề xuất lùi lộ trình áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia để hài hòa lợi ích 3 bên

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia bắt đầu từ năm 2027 và chỉ dừng lại ở mức 80% thay vì 100% để giúp doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất.

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến. Ảnh: CTV

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến. Ảnh: CTV

Sáng 22-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

* Lùi lộ trình vào năm 2027

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu ý kiến về thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Theo đại biểu, dự thảo luật hiện đưa ra 2 phương án thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, theo đó lộ trình tăng thuế 5%/năm từ năm 2026 đến năm 2030, cụ thể như sau: đối với rượu từ 20 độ trở lên thì phương án 1 từ 70% vào năm 2026 lên 90% vào năm 2030; phương án 2 từ 80% năm 2026 lên 100% năm 2030.

Đối với rượu dưới 20 độ, phương án 1 từ 40% vào năm 2026 lên 60% vào năm 2030; phương án 2 từ 50% vào năm 2026 lên 70% vào năm 2030. Đối với mặt hàng bia, phương án 1 từ 70% vào năm 2026 lên 90% vào năm 2030 và phương án 2 từ 80% vào năm 2026 lên 100% vào năm 2030.

Đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1 và lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế sớm nhất là từ năm 2027, trường hợp tốt hơn nữa thì bắt đầu lộ trình vào năm 2028 là phù hợp hơn trong tình hình hiện nay bởi các lý do sau:

Thứ nhất, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang khá khó khăn. Theo Hiệp hội Rượu, bia và nước giải khát Việt Nam thì “giá nguyên vật liệu (malt, gạo, vỏ lon) tăng 20-40%, khiến chi phi sản xuất leo thang”. Nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chỉ tiêu.

Ngoài ra, từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có quy định về nồng độ cồn cũng đã tác động đáng kể đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp rượu, bia; từ đó, cũng đã tác động gián tiếp đến thu ngân sách nhà nước đối với mặt hàng này.

Thứ hai, hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia đang phải chịu các loại thuế, phí khác như: thuế nhập khẩu, phí tái chế đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường, chi phí mua tem thuế... trong khi các doanh nghiệp rượu, bia không được hưởng ưu đãi giảm thuế giá trị gia tăng.

Thứ ba, việc áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao không những không giúp tăng nguồn thu từ thuế, mà còn có thể dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Vì thực tế hiện nay, nhà máy của các công ty bia, rượu luôn nằm trong số các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn.

Doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp rượu, bia cắt giảm kinh doanh, dừng hoạt động các nhà máy dẫn đến giảm nguồn đóng góp vào ngân sách cho địa phương. Như Nhà máy bia Heineken tại Quảng Nam tạm dừng hoạt động khiến tỉnh mất nguồn thu cho ngân sách 500 tỷ đồng/năm.

Chưa kể việc tăng thuế suất quá cao sẽ tăng giá lên sản phẩm, khiến người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm rượu, bia trái phép (nhập lậu), nằm ngoài sự quản lý của nhà nước, có giá rẻ hơn do không bị đánh thuế, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Thứ tư, tác động của dịch bệnh Covid-19, các cuộc xung đột chính trị trên thế giới vẫn đang tác động ít nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, cần có lộ trình hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp có đà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng không phải tăng số tiền phải chi cho sản phẩm dù không phải thiết yếu nhưng khá quen thuộc đối với đời sống người dân.

* Không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xăng

Phát biểu ý kiến về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị không đưa mặt hàng xăng thường, xăng E5, E10 vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt do xăng đã trả thuế bảo vệ môi trường.

Theo đại biểu, xăng không phải là mặt hàng xa xỉ, trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này là bảo vệ môi trường.

Mặt khác, nếu các loại xăng đều chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng chí phí sản xuất, tăng lạm phát, không công bằng với dầu diesel và khi đó người dân sẽ đổ xô sử dụng sản phẩm sử dụng nhiên liệu là dầu diesel vì có giá thành thấp hơn xăng và không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng có mức độ ô nhiễm môi trường cao.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/de-xuat-lui-lo-trinh-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-ruou-bia-de-hai-hoa-loi-ich-3-ben-32903fb/