Đại biểu băn khoăn về thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh vấn đề, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thực chất là 'đánh' vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Có thay đổi hành vi người tiêu dùng?
Sáng 22/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu, bia, đánh thuế nước giải khát có đường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, mục tiêu trước hết của thuế tiêu thụ đặc biệt là thay đổi hành vi người tiêu dùng; để người tiêu dùng không sử dụng những sản phẩm có tính độc hại cho sức khỏe cá nhân hoặc ảnh hưởng đến môi trường.
Ông Cường cũng nêu, mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt không phải là để thu ngân sách. Tuy nhiên, khi đưa ra giải pháp là tăng thuế cần đánh giá khả năng đáp ứng đồng thời hai mục tiêu: có chuyển đổi hành vi tiêu dùng hay không và tác động đến thu ngân sách như thế nào.
"Nếu chúng ta đưa ra một giải pháp mà mục tiêu chuyển đổi hành vi không đạt được như kỳ vọng và thu ngân sách cũng không bền vững thì phải xem xét lại", ông Cường nói.
Về mặt hàng rượu, bia, theo ông Cường, biện pháp xử phạt tại Nghị định 100 đã khiến hành vi của người tiêu dùng thay đổi rất rõ ràng, còn mức thuế đánh vào rượu, bia tác động ra sao thì chưa rõ.
Ông Cường thông tin, hiện nay, nếu tăng giá bất kỳ mặt hàng tiêu dùng nào trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống sẽ gây ảnh hưởng lập tức đến tăng trưởng kinh tế. Từ quan điểm đó, ông Cường cho rằng, cần thiết phải xem xét mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
"Tối hôm qua, tôi có nhận được một báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), họ có đánh giá với mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo 2 phương án mà Bộ Tài chính đề xuất sẽ tác động như thế nào đến tiêu dùng, tác động thế nào đến GDP. Cả 2 phương án tăng thuế đều dẫn đến chuyện giảm GDP", ông Cường thông tin.
Vị đại biểu này cho rằng, vấn đề đặt ra là khi tăng thuế thì tiêu dùng sẽ giảm, dịch vụ sẽ giảm và tác động tiêu cực đến GPD, thu ngân sách giảm.
"Cho nên với thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, tôi kiến nghị cần cần nhắc lộ trình tăng thuế và cách thức đánh thuế như nào cho hiệu quả", ông Cường nói.
Ông Cường đề xuất, đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có thể ban hành vào năm 2025, nhưng thời gian áp dụng lùi 1 năm so với dự thảo (2027 - PV) để người tiêu dùng có thời gian thay đổi hành vi. Trong thời gian đó, Nhà nước truyền thông đến người tiêu dùng biết rằng, đến thời điểm này mà anh không thay đổi hành vi thì anh sẽ phải chịu thuế cao.
Ông Cường cũng cho rằng, nên đánh thuế lần đầu cao, sau đó dừng 5 năm rồi tăng tiếp, thay vì tăng đều hằng năm.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị lùi thời gian bắt đầu lộ trình tăng thuế vào năm 2027 để phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.
Theo bà Mai, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước hiện đang khá khó khăn. Nhu cầu tiêu thụ cũng giảm mạnh do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao có thể dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước...
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) tán thành việc áp thuế với bia rượu, để tiến tới các biện pháp hạn chế sử dụng các mặt hàng này. Tuy nhiên, đại biểu Mai cũng bày tỏ nhất trí với ý kiến không nên thực hiện ngay mức thuế này mà cần có lộ trình, sớm nhất từ năm 2027. Nếu áp dụng thuế ngay có thể dẫn đến nhiều khó khăn hơn cho doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác.
Cần đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí về việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội.
"Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông", bà Ánh nói.
Tuy nhiên, theo bà Ánh, cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp, làm sụt giảm sản lượng đột ngột, dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn; tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động...
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng ủng hộ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu là cần thiết nhưng phải tính 2 vấn đề: mức thuế hợp lý; thời điểm đánh thuế nên lùi lại để ngành hàng rượu, bia có thời gian chuẩn bị, tái cơ cấu.
Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh vấn đề, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường thực chất là “đánh” vào người tiêu dùng, ở đây là nhóm đối tượng là người lao động phổ thông, người có thu nhập thấp, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị khi xác định mặt hàng/sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải cân nhắc tác động của sắc thuế đến nhóm người tiêu dùng nêu trên.
Đại biểu Hiền cũng lưu ý, cần đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế nói chung để đánh giá tác động một cách toàn diện. Thực tế ngành rượu, bia liên quan trực tiếp đến các ngành nghề phụ trợ như sản xuất bao bì, đóng gói, vận chuyển, và liên quan gián tiếp đến các lĩnh vực du lịch và ẩm thực.
"Cần ước lượng được với mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế đề xuất, các ngành nghề khác sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào. Liệu mức ảnh hưởng này có thể được bù trừ bởi nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc giảm áp lực xã hội, gánh nặng y tế hay không? Rất cần số liệu cụ thể để các đại biểu có thể hình dung được tác động", bà Hiền nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần có thêm ý kiến chuyên gia, pháp luật chuyên ngành, căn cơ kỹ lưỡng các nội dung. Nêu kinh nghiệm của thế giới, bà Thanh cơ bản đồng tình với quan điểm, cách đặt vấn đề của cơ quan trình dự thảo Luật, nhưng cần làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng hơn vì có những nội dung vừa đóng góp thu ngân sách vừa phục vụ nhu cầu con người, vừa phục vụ sản xuất chưa thật rành mạch.
Về vấn đề bổ sung thêm nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất 10%, với lý do gây nên bệnh thừa cân béo phì, theo bà Thanh cần thống nhất đưa nước giải khát có đường vào đánh thuế nhưng có lộ trình về thời gian và lộ trình đánh thuế để doanh nghiệp và người dân có lộ trình làm quen, nhận thức và hài hòa sản xuất trong nước.