Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

BHG - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, sáng 22.11, sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án luật trên. Thảo luận tại tổ 6, đại biểu Tráng A Dương và đại biểu Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã góp ý một số nội dung.

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Tráng A Dương cho biết: Tại Điều 3 về thu nhập chịu thuế, việc quy định khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nào thì nên được ghi nhận vào thu nhập/chi phí tương ứng của hoạt động kinh doanh đó để áp dụng ưu đãi thuế tương tự như quy định hiện hành. Việc quy định như dự thảo và ghi nhận toàn bộ vào thu nhập khác sẽ không phản ánh đúng bản chất doanh thu, chi phí của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để áp dụng ưu đãi thuế, đặc biệt là doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu, là hoạt động được khuyến khích phát triển.

Việc áp dụng ưu đãi thuế (Điều 7), theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi, lỗ giữa hoạt động ưu đãi và doanh nghiệp không ưu đãi là chưa hợp lý, đại biểu đề xuất Ban Soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Về điều kiện áp dụng ưu đãi thuế (Điều 18), dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành, nghề chế biến tài nguyên khoảng sản. Theo đại biểu, việc quy định như vậy là chưa phù hợp vì hoạt động chế biến có bản chất tương tự các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường khác, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ để chế biến, nên cần được áp dụng ưu đãi thuế tương tự với các hoạt động kinh doanh khác. Ngoài ra, đại biểu tham gia ý kiến về thời điểm xác định doanh thu (Điều 8); về thuế TNDN đối với nhà đầu tư nước ngoài đối với chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng tài sản (Điều 11).

Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Vương Thị Hương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Tham gia ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, những đóng góp của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung, đối tượng chịu tác động trực tiếp, gián tiếp đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp... Đồng thời, làm rõ trên thế giới có bao nhiêu nước đánh thuế đối với loại hàng hóa này để bảo đảm tính công khai, minh bạch; từ đó, có lộ trình áp thuế hợp lý để bổ sung quy định loại hàng hóa là nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế (Điểm l, khoản 1, Điều 2)

Liên quan đến quy định về thuế suất và lộ trình áp dụng (Điều 8), đại biểu cho rằng, biểu thuế suất TTĐB là vấn đề quan trọng, việc điều chỉnh tăng thuế suất đối với hàng hóa, dịch vụ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, dẫn đến thu hẹp sản xuất và giảm thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh, cả kinh tế lẫn an sinh xã hội, người dân, doanh nghiệp và Nhà nước để từ đó có lộ trình và mức tăng hợp lý. Do đó, đại biểu đề xuất giãn lộ trình áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường; cân nhắc bỏ quy định về việc đánh TTĐB đối với mặt hàng xăng dầu; cân nhắc quy định đánh thuế đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; việc tăng thuế suất đối với xe ô tô pick-up...

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phương án tính thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá, tránh tình trạng thay đổi chính sách quá mạnh.

Cũng về Luật Thuế TTĐB, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế TTĐB là hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để gia công cho thương nhân nước ngoài, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu để phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp chế xuất; trường hợp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tạm xuất ra nước ngoài để nghiên cứu phát triển sản phẩm sau đó tái nhập trở lại Việt Nam.

Về thời điểm xác định thuế TTĐB (Điều 7), đại biểu Vương Thị Hương đề nghị quy định cụ thể về căn cứ xác định “thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua” được căn cứ trên cơ sở nào?

Đại biểu Vương Thị Hương cũng đề xuất chọn phương án 2 trong 2 phương án dự thảo Luật đưa ra quy định về thuế suất tại Điều 8. Trong đó đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng “xe có động cơ dưới 24 chỗ chạy bằng ắc quy” để đảm bảo đầy đủ vì ngoài “xe có động cơ dưới 24 chỗ chạy bằng pin” còn có “xe có động cơ dưới 24 chỗ chạy bằng ắc quy” và hai loại xe này có sự khác biệtvề tiêu chí kỹ thuật.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202411/doan-dbqh-tinh-ha-giang-thao-luan-to-ve-du-an-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-va-du-an-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-sua-doi-b2f276d/