ĐỀ XUẤT MỞ RỘNG CHỈ ĐỊNH THẦU RÚT GỌN VỚI CẢ THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ VÀ HÓA CHẤT XÉT NGHIỆM

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế và hóa chất xét nghiệm tại các bệnh viện, tại Phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 24/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm và hóa chất xét nghiệm…

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện công lập và tư nhân diễn ra trầm trọng trên diện rộng lại một lần nữa được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhắc đến khi đề cập về dự án Luật Đầu thầu (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này.

Để giải quyết tình trạng trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm và hóa chất xét nghiệm.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Tại điểm c khoản 1 Điều 23 của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định "việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân". Quy định này là rất cần thiết trong thực tế nhưng có một số thuật ngữ nội dung quy định chưa rõ về nội hàm, khái niệm thế nào là "gói thầu cần triển khai ngay", có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Cụm từ "cần triển khai ngay" được quy định tại Luật Đấu thầu từ năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 23 "chỉ định thầu được áp dụng cho gói thầu chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường, do yêu cầu về giải pháp công nghệ" là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 1 Điều 28 cũng tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có đề cập việc "đàm phán giá được áp dụng với các gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có 1 hoặc 2 hãng sản xuất". Như vậy, với gói thầu chỉ có duy nhất 1 hãng sản xuất trên thị trường sẽ áp dụng đàm phán giá hay chỉ định thầu, Luật cần quy định rõ trường hợp nào áp dụng đàm phán giá, trường hợp nào áp dụng chỉ định thầu, để các đơn vị khi tổ chức mua sắm áp dụng đúng quy định pháp luật, bởi vì 2 hình thức này có phương thức xác định giá gói thầu rất khác nhau.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đối với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 quy định này cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, bên cạnh các trang thiết bị y tế, mua sắm từ nguồn ngân sách, các cơ sở y tế còn nhận rất nhiều trang thiết bị y tế từ nguồn viện trợ, tài trợ. Trong số đó cũng có một số trang thiết bị y tế cũng đòi hỏi đảm bảo tính tương thích về công nghệ và bản quyền, vì vậy cần phải bổ sung quy định đối với trường hợp trang thiết bị y tế được nhận từ viện trợ, tài trợ.

Về chỉ định thầu rút gọn, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này quy định các gói thầu được chỉ định thầu rút gọn theo hạn mức gói thầu. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị có điều riêng trong dự thảo quy định về chỉ định thầu rút gọn, trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. Nội dung dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.

Đóng góp ý kiến vào vấn đề trên, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm: Tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu ở điểm c khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế thì được chỉ định thầu để mua cấp cứu người bệnh. Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Điều 61, 63 quy định về hoạt động cấp cứu và sử dụng thuốc thì không thấy có quy định nào về vấn đề này.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Khi tham gia góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Khánh Thu cũng có nêu vấn đề này ra và được cơ quan soạn thảo giải trình rằng, việc mua sắm sẽ được thể hiện trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) và đến bản dự thảo này thì lại nêu là thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, đại biểu đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn, cấp bách” và cũng cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách. Bởi vì có những trường hợp trong quá trình điều trị 1 ống thuốc canxi cũng là thuốc dùng để cấp cứu đối với những bệnh nhân hạ canxi huyết.

Đại biểu Trần Khánh Thu cũng nêu quan điểm: Tại khoản 2 Điều 23 cũng đề cập các gói thầu quy định ở điểm a, b, c "Chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm về chỉ định thầu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi bắt đầu thực hiện thì hoàn thiện các thủ tục theo quy định tại khoản 2 Điều 43 của luật này". Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 43 của Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ cho phép áp dụng chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu quy định tại điểm m. Đây là những gói thầu cấp bách và cần phải thực hiện ngay, nếu được phép áp dụng chỉ định trước rồi mới hoàn thiện thủ tục trong thời hạn 15 ngày để áp dụng theo quy trình của chỉ định thầu thông thường được quy định tại khoản 2 Điều 43 thì sẽ khó tháo gỡ được các vấn đề, cho nên tôi đề nghị bổ sung thêm điểm a, điểm b, điểm c là "thực hiện theo quy định chỉ định thầu rút gọn" vào điểm d khoản 2 Điều 43.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Làm rõ những nội dung ý kiến của các đại biểu đối với chỉ định thầu đối với lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ đã tiếp thu tất cả ý kiến về các trường hợp chỉ định thầu. Đại biểu Quốc hội có nêu thêm ý kiến cần nghiên cứu thêm, rà soát lại có thể bổ sung, mở rộng ra một số các trường hợp chỉ định thầu khác mà chúng ta thấy cần thiết, nhất là liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng việc cơ quan thẩm tra sẽ rà soát lại để làm sao cho bao phủ, chủ động được những trường hợp phát sinh v à chúng ta có thể triển khai được kịp thời./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=76157