Đề xuất mở rộng đối tượng, nới lỏng điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu từ 10% hiện nay xuống 5%; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68/NQ-CP).

Hỗ trợ cho lao động tự do tại huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, hơn 375.800 người sử dụng lao động, được hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ với kinh phí khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Trong đó, cả nước có khoảng 2,12 triệu người lao động được hỗ trợ trực tiếp với kinh phí gần 3.290 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các chính sách còn khá chậm, kết quả thực hiện tại một số chính sách chưa cao. Nguyên nhân là do các tổ chức, cá nhân liên quan phải hạn chế đi lại để phòng, chống dịch Covid-19 và do tâm lý lo ngại tiếp xúc nơi đông người, nên số người lao động, sử dụng lao động lập hồ sơ ban đầu để đề nghị hưởng chính sách còn ít. Hơn nữa, một số quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội...

Để chính sách kịp thời đến với các đối tượng bị ảnh hưởng sâu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi một số nội dung. Đó là sửa đổi điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu từ 10% hiện nay xuống 5%; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 5% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Điều kiện để người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ cần được nới lỏng hơn; đối tượng phải điều trị Covid-19 nên được mở rộng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn đề xuất sửa đổi điều kiện và bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; bổ sung đối tượng hộ kinh doanh trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đề xuất, hộ kinh doanh đủ điều kiện hỗ trợ là hộ có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg, trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021, thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Các điều kiện để người sử dụng lao động khó hưởng chính sách cho vay ngừng việc, vay trả lương phục hồi sản xuất cũng được đề xuất cắt giảm thủ tục, điều kiện...

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Minh Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1010676/de-xuat-mo-rong-doi-tuong-noi-long-dieu-kien%C2%A0huong-chinh-sach-ho-tro-an-sinh-xa-hoi