Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Một số ý kiến ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp như lao động theo hợp đồng thử việc, cán bộ công chức, viên chức, người đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Sáng 7/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật hiện đang loại trừ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đang làm việc theo Hợp đồng thử việc (thông thường từ 1-2-3 tháng).

Theo đại biểu, về mặt pháp lý và trên thực tế người thử việc cũng đang làm việc và đang tồn tại một quan hệ lao động có trả lương, có thu nhập và đương nhiên họ càng là những người dễ mất việc, nhưng lại không được bảo vệ khi mất việc làm.

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị bổ sung thêm đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đang làm việc theo Hợp đồng thử việc. Ảnh: QH

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị bổ sung thêm đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động đang làm việc theo Hợp đồng thử việc. Ảnh: QH

Dẫn chứng kinh nghiệm của một số nước tiến bộ trên thế giới như Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản,… đại biểu cho rằng, mặc dù có những quy định khác nhau nhưng về mặt tổng thể đều quy định lao động thử việc vẫn là lao động và phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, để đảm bảo mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập thị trường lao động khu vực và toàn cầu, đại biểu cho rằng việc quy định lao động thử việc cũng cần tham gia bảo hiểm thất nghiệp là phù hợp và cần thiết.

Cùng góp ý về tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, trong thời gian tới, việc nghiên cứu, xem xét bỏ quy định về "biên chế suốt đời" sẽ dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có khả năng mất việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm chính sách về bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng, bao phủ đến nhiều đối tượng, công bằng trong tiếp cận an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích cán bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, có ý thức giữ việc làm, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là "cán bộ, công chức, viên chức, người lao động".

Đại biểu cho rằng đây sẽ là bước đi chủ động của nhà nước trong bảo vệ người lao động khu vực công trong điều kiện mới.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn BĐQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn BĐQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: QH

Ngoài ra, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, theo dự thảo quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đối tượng này không thuộc diện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trên thực tế, nhiều trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu theo quy định, song chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng vì lý do khách quan phải thôi việc như ốm đau, bệnh tật, tuy nhiên vẫn không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, đại biểu cho rằng đối với các trường hợp này, nên xem xét cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp với thời gian hưởng theo quy định nhằm giúp người lao động có chi phí trị bệnh trong khi chờ hưởng lương hưu.

Lê Bảo - Dương Tú

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-mo-rong-doi-tuong-tham-gia-bao-hiem-that-nghiep-16925050711143824.htm