Đề xuất mới về nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung điều chỉnh thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (Luật hiện hành NSTW hưởng 100%), thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Luật hiện hành NSĐP hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa NSTW và NSĐP.

Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của NSTW, tính chủ động của NSĐP.

Đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của NSTW, tính chủ động của NSĐP.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về "Nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp" như sau:

Về phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP): Đối với nhóm các khoản thu NSTW và NSĐP hưởng 100% cơ bản giữ như quy định hiện hành; tuy nhiên dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung điều chỉnh thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu (Luật hiện hành NSTW hưởng 100%), thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (Luật hiện hành NSĐP hưởng 100%) sẽ thực hiện phân chia giữa NSTW và NSĐP.

Đồng thời, quy định cụ thể ngay trong Luật tỷ lệ phân từng khoản thu phân chia giữa NSTW với NSĐP cho từng nhóm địa phương theo đúng Kết luận số 93 của Bộ Chính trị (phương án đề xuất này là trên cơ sở đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay - Tỷ lệ phân chia các khoản thu này sẽ được Bộ Tài chính xác định lại theo đơn vị hành chính cấp tỉnh Quốc hội quyết định đảm bảo phù hợp mục tiêu tăng cường phân cấp, phân quyền, tự chủ nguồn lực và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương).

Riêng đối với thuế giá trị gia tăng, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện phân chia NSTW 70%, NSĐP 30%, việc phân chia cho từng địa phương được thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hằng năm.

Trong tổ chức thực hiện, trường hợp NSTW giảm vai trò chủ đạo hoặc có biến động lớn về thu, chi NSNN giữa các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu phân chia nên trên cho phù hợp.

Lý do, cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật NSNN dẫn đến vai trò chủ đạo của NSTW có xu hướng giảm (thu NSTW trong tổng thu NSNN năm 2000 mức 75%, năm 2011 mức 61,8%, đến năm 2020 là 52,2% và đến năm 2024 chỉ còn là 51%), trong khi tỷ trọng thu NSĐP ngày càng tăng theo quy mô tăng thu hằng năm theo Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP, các cơ quan, đơn vị có liên quan; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao: "Chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch".

Phân cấp nhiệm vụ chi giữa NSTW và NSĐP

Về phân cấp nhiệm vụ chi giữa NSTW và NSĐP, Bộ Tài chính cho biết, các quy định dự thảo đề xuất cơ bản kế thừa quy định của Luật NSNN hiện hành, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung phạm vi lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thể chế hóa Nghị quyết số 97- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Về nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chỉ giữa ngân sách các cấp ở địa phương, đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ quy định nguyên tắc khi Hội đồng nhân dân phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương cho cấp huyện và cấp xã, để trao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Luật sửa đổi: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, bao gồm tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách từng cấp ở địa phương phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương.".

Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung này nhằm trao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và phù hợp định hướng bỏ cấp huyện theo Kết luận số 127- KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.

Về "Hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", dự thảo đề xuất bỏ quy định: "Mức hỗ trợ được xác định cụ thể cho từng chương trình, dự án. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương".

Theo Bộ Tài chính, đề xuất bỏ quy định trên để đảm bảo phù hợp với định hướng là phân cấp cho địa phương thầm quyền cũng như thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, các cơ quan trung ương hạn chế thực hiện đầu tư dự án; khi đó, NSTW sẽ hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình, dự án.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-moi-ve-nguon-thu-nhiem-vu-chi-cua-ngan-sach-cac-cap-102250401101051695.htm