Đề xuất mua SGK cho học sinh mượn: Làm kiểu tùy hứng... rất nguy hiểm
Mới đây lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần. Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã đưa ra ý kiến về đề xuất này.
Tại cuộc họp với các bên liên quan đến sách giáo khoa mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GD&ĐT phải làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến các bộ sách giáo khoa mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Khi được hỏi về đề xuất của Bộ GD&ĐT, Nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đây là một giải pháp “không giống ai”.
Vì theo ông Quốc Vương, trích ngân sách mua sách phát miễn phí cho học sinh thì hợp lý chứ nếu cho các thư viện mua vào rồi cho học sinh mượn thì sẽ không hiệu quả.
Lý do, theo ông Vương là sách giáo khoa không chỉ được dùng ở trên lớp mà còn dùng ở nhà. Có thư viện nào chứa và quản lý số lượng sách giáo khoa lớn thế phục vụ toàn bộ học sinh ở tất cả các môn. Chưa kể với cơ chế một chương trình-nhiều bộ sách giáo khoa như hiện tại thì chuyện mỗi năm đổi một bộ sách là đương nhiên.
Cũng theo ông Vương, hãy thử tưởng tượng 10 môn là 10 bộ sách khác nhau. Trường có 1.000 học sinh, số lượng sách là bao nhiêu để học sinh mượn đủ, mượn thoải mái? Nên nhớ các trường hiện nay thư viện hoạt động rất...yếu.
Mặt khác, cũng theo ông Vương, nhiều trường không có cả thủ thư và thư viện đúng nghĩa. Chỉ cần 30 cháu mượn sách một ngày là thủ thư đủ méo mặt nói gì đến cả trăm, nghìn học sinh mượn liên tục sách giáo khoa.
"Đề xuất phương án này là bất khả. Trường có 1.000 em cho mượn 1000 bộ. Quản lý không đơn giản vì sau đó nếu hỏng, rách (học sinh chắc chắn sẽ làm hỏng) thì sao? Bắt đền? Nếu không đền thì sau đó sách này vứt đi? Sách giáo khoa nó là đồ dùng cá nhân. Rất hiếm khi học sinh vào thư viện mượn... sách giáo khoa"- ông Vương nêu quan điểm.
Ý kiến về chuyện mua sách giáo khoa rồi phát miễn phí cho học sinh thì nước ngoài, ông Vương cho rằng người ta làm từ lâu rồi mà. Cái gì hay, dở người ta cũng đã tổng kết rồi. Mình cứ thế mang về mà dùng nguyên chiếc chứ mất công "chế" làm gì cho rắc rối.
“Làm kiểu tùy hứng không có tính toán chiến lược rất nguy hiểm vì vấn đề cũ chưa sửa được đã làm phát sinh vấn đề mới không lường trước”- ông Vương nêu quan điểm.
Ông Vương cũng cho rằng, bao nhiêu chuyện đã nhãn tiền rồi từ VNEN, biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT, rồi chương trình môn Sử, giảm tải... Toàn là chắp vá, đối phó kiểu tức thời. Kết quả làm khổ từ giáo viên, nhà trường tới học sinh, phụ huynh.
“Tôi nêu quan điểm, chúng ta không nên làm thế. Chuyện mỗi trường có các bộ sách giáo khoa khác nhau của cùng một môn trong thư viện để giáo viên, học sinh tham khảo, đọc...khi cần lại là chuyện khác. Nó là bình thường”- ông Vương nói.
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 70 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:
- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Thư nhà…
- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…
Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn sách Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.