Đề xuất nhiều thành phần tham gia dịch vụ bảo hiểm y tế
Còn nhiều bất cập trong quy định chuyển tuyến, chi trả tiền thuốc, tiền khám chữa bệnh liên quan bảo hiểm y tế
Chiều 31-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Bảo đảm quyền lợi bệnh nhân BHYT
Dự thảo luật đã bổ sung quy định thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài do cơ sở khám chữa bệnh không có.
Theo đại biểu (ĐB) Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng), trước khi trình dự luật, ngày 18-10, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2024 về thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Tuy nhiên, thông tư này không giải quyết được vướng mắc về thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế khi bệnh nhân phải mua ở ngoài. Cụ thể, Thông tư 22/2024 quy định thuốc được thanh toán phải thuộc danh mục thuốc hiếm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thuốc hiếm rất thấp so với các loại thuốc thông thường nên thông tư không giải quyết được triệt để tình trạng thiếu thuốc cũng như không bảo vệ quyền lợi tối đa của người tham gia BHYT.
"Đề nghị cơ quan soạn thảo luật nghiên cứu quy định theo hướng thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài do cơ sở khám chữa bệnh không có" - ĐB Cường kiến nghị.
Cùng quan điểm, ĐB Đinh Văn Thê (đoàn Gia Lai) đề nghị bổ sung quy định về trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nhưng không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác và người bệnh phải tự mua bên ngoài theo chỉ định của thầy thuốc. Khi đó, cơ sở khám chữa bệnh phải có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế; tổng hợp, thanh toán với cơ quan bảo hiểm và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Phản ánh cử tri rất bức xúc với chất lượng khám bệnh và vấn đề thiếu thuốc BHYT, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề nghị công khai số dư tiền BHYT hằng năm cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, đề nghị tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế khác tiếp tục được tham gia thị trường BHYT để tạo sự cạnh tranh và người dân có nhiều sự lựa chọn hơn.
Làm rõ quy định chuyển tuyến
ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc thêm vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh, không phải chuyển tuyến để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh vừa bảo đảm công tác quản lý chặt chẽ.
ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho rằng theo quy định của Luật BHYT, việc đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu là theo địa giới hành chính. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người dân chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên trong khi tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên, từ đó làm hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT và gây phức tạp về thủ tục không cần thiết... Do đó, ĐB Trân đề nghị sửa đổi, điều chỉnh các nội dung liên quan tuyến chuyên môn kỹ thuật, hạng bệnh viện trong dự thảo luật này để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Qua đó, bảo đảm thống nhất trong quản lý BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của bệnh nhân đi khám chữa bệnh BHYT là vì khó khăn trong việc xin giấy chuyển tuyến đối với nhóm mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên khi điều trị cùng một bệnh.
Theo ĐB Thu, quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị..., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhanh chóng, thuận tiện.
Do đó, bà Thu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT hiện nay; tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu và không mở phạm vi điều trị ngoại trú. Đồng thời, điều chỉnh bổ sung quy định, giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm vào danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến một lần, dùng trọn quá trình điều trị thay vì có thời hạn như hiện nay.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát, đánh giá đồng bộ lại hệ thống pháp luật về đối tượng tham gia BHYT; trên cơ sở bảo đảm tương quan chung nhất quyền lợi của người dân tham gia BHYT để tiếp tục hoàn thiện nội dung này.
Đối với điều kiện chuyển tuyến bệnh nhân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh đây là nội dung rất mới nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân cũng như bảo đảm sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng thể chế hóa các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó nêu điều kiện được khám chữa bệnh từ xa và các chuyên môn kỹ thuật. Việc sửa đổi luật nhằm bảo đảm khả năng thanh toán cũng như nguồn lực để thực hiện công tác này. "Đây cũng là giải pháp hỗ trợ tuyến y tế cơ sở phát triển" - bà Đào Hồng Lan khẳng định.
Tinh gọn bộ máy nhằm tăng năng suất
Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Dành nhiều thời gian để nói về tổ chức bộ máy hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ các nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Với nhiệm vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đến nay chúng ta mới tinh gọn ở xã, huyện và một số vụ, cục, tổng cục ở bộ, ngành, mà chưa làm được ở cấp tỉnh và Trung ương.
"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn... Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, QH gương mẫu, Chính phủ gương mẫu bởi không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, 70% ngân sách hiện dành cho chi thường xuyên, dẫn đến nguồn lực cho chi đầu tư phát triển là rất hạn chế. Dẫn chứng các nước chỉ dùng khoảng 40% ngân sách cho chi thường xuyên, Tổng Bí thư nhấn mạnh "sốt ruột vô cùng" chi thường xuyên sau khi tăng lương có thể chiếm đến 80% ngân sách.
Tổng Bí thư cũng nêu thực tế năng suất lao động đang giảm và đây là chỉ tiêu chúng ta không đạt trong thời gian qua. Tuy nhiên, muốn tăng năng suất lao động thì người lao động phải có tay nghề để ít người, hoạt động sản xuất phải có hàm lượng khoa học - công nghệ và có cách thức quản lý tốt.
"Chúng ta cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số "vàng" để bước vào kỷ nguyên mới, bứt tốc đạt được mục tiêu đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao. Muốn vậy, yêu cầu bắt buộc là phải tăng năng suất lao động, giảm bộ máy biên chế nhà nước" - Tổng Bí thư nhìn nhận.