Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu để cho vay mua nhà ở xã hội

Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành với đề xuất phát hành trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội Cao Nguyên 2 Bắc Ninh. Ảnh minh họa.

Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội Cao Nguyên 2 Bắc Ninh. Ảnh minh họa.

Đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa ra tại Dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói vay mua nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Theo đó, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030. Việc phân bổ giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội dự kiến được thực hiện như sau: từ năm 2025 đến năm 2029 bố trí mỗi năm khoảng 16.500 tỷ đồng; năm 2030 bố trí khoảng 17.500 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án các tòa nhà ở xã hội do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Phối cảnh dự án các tòa nhà ở xã hội do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư tại Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp, người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030 cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng. Đến nay Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từ thời kỳ.

Tuy nhiên gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng sau hơn 1 năm triển khai có tỷ lệ giải ngân rất thấp vì mức lãi vay, điều kiện vay chưa thực sự ưu đãi với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. Hiện gói vay này lãi suất 7%/năm với chủ đầu tư và 6,5%/năm với người mua nhà.

Tính đến cuối quý III/2024, gói vay này có tổng dư nợ 1.783 tỷ đồng; trong đó khách hàng doanh nghiệp đủ điều kiện vay đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, với mức dư nợ 1.633 tỷ đồng. Hiện còn 68 dự án hiện chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng; trong đó 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.

Còn đối với người mua nhà, đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho khách mua nhà tại 12 dự án. Tuy nhiên, lãi suất vay theo Ngân hàng Chính sách xã hội 6,5%/năm được đánh giá còn cao so với khả năng chi trả của người dân.

Trước thực tế này, Bộ Xây dựng cho rằng, việc xây dựng Nghị quyết về nguồn vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ đồng là cần thiết để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua, xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội.

Tháng 10/2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội trước khi đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết để phát hành 100.000 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho phát triển nhà ở xã hội.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-phat-hanh-100-000-ty-dong-trai-phieu-de-cho-vay-mua-nha-o-xa-hoi/355298.html