Nhu cầu tăng cao, chung cư Hà Nội 'cháy hàng'
Nhu cầu sở hữu nhà ở tại Hà Nội ngày càng tăng cao, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường căn hộ tại Hà Nội có sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn như CapitaLand, MIK.
Các dự án tiêu biểu như Lumi Hà Nội khi được mở bán đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ khách hàng. Nhiều căn hộ, đặc biệt là những căn hộ có vị trí đẹp, diện tích hợp lý như loại hình 2 phòng ngủ, nhanh chóng bán hết. Điều này khiến không ít người mua phải tìm đến thị trường thứ cấp để sở hữu căn hộ mong muốn, chấp nhận mức giá cao hơn giá gốc.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này xuất phát từ sự mất cân đối giữa cung và cầu, nguồn cung còn hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở tại Hà Nội lại không ngừng gia tăng. Đặc biệt, các gia đình trẻ và người lao động có thu nhập ổn định đang tìm kiếm các căn hộ vừa túi tiền, diện tích phù hợp. Tuy nhiên, với việc giá bán chung cư liên tục leo thang, việc sở hữu nhà ở tại Hà Nội ngày càng khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE), sức nóng của thị trường đang được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Ông Đính cảnh báo, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp trong dự án phát triển chiến lược hoặc các hỗ trợ chính sách từ cơ quan quản lý, thì tình trạng này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Khi nguồn cung vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu, giá bán chung cư rất khó để giảm nhiệt, thậm chí có nguy cơ tiếp tục tăng cao. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân mà còn tiềm ẩn rủi ro hình thành bong bóng bất động sản, đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường.
Trước thực trạng này, việc thúc đẩy dự án, phát triển các dự án mới, đặc biệt là ở phân khúc trung cấp và bình dân, được xem là giải pháp cấp bách. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án như giảm thủ tục hành chính hay ưu đãi về đất đai cũng cần được phát triển quyết liệt hơn. Như vậy, thị trường bất động sản tại Hà Nội mới có thể giảm áp lực và đáp ứng nhu cầu nhà ở đang tăng cao từng ngày.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện đang thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân là do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục pháp lý, đặc biệt là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất.
“Mặc dù các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được ban hành và có hiệu lực thi hành, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế do cần có thời gian để các cơ chế, chính sách mới được thực thi có hiệu quả, đi vào cuộc sống”, ông Hải chia sẻ.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhu-cau-tang-cao-chung-cu-ha-noi-chay-hang-158343.html