Sông Tô Lịch hồi sinh nhờ nước sông Hồng thế nào?
Theo chuyên gia, đã là sông phải có dòng chảy. Biện pháp dẫn nước sông Hồng qua Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết.
Đưa nước sạch từ sông Hồng về "cứu" sông Tô Lịch
Sáng 2/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã đi kiểm tra tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch.
Để đảm bảo môi trường sinh thái cho hồ Tây, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu khi dẫn nước từ sông Hồng về đến hồ Tây phải làm hai đường ống bằng thép chạy song song đi ngầm dưới lòng hồ Tây. Một ống thép dẫn nước bổ sung thường xuyên cho sông Tô Lịch, ống còn lại để sẵn sàng cấp nước cho hồ Tây khi cần thiết.
Với việc xử lý nước thải sinh hoạt đang trực tiếp xả ra sông Tô Lịch, thống kê của Sở Xây dựng hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, bất cập là còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Sở Xây dựng đang xây dựng phương án trình thành phố để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.
PGS.TS Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết.
"Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng qua Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết. Các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch, đặc biệt là mùa khô" - ông Hạ nói.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho biết, muốn lấy nước từ sông Hồng bổ trợ cho sông Tô Lịch phải lập quy hoạch, trong đó tính toán nhu cầu nước là bao nhiêu, lấy vào thời điểm nào và phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chức năng phục vụ sản xuất nông nghiệp của sông Hồng.
Về xử lý nước thải đô thị, ông Hồng cho rằng hiện các họng nước thải dọc sông Tô Lịch đã bắt đầu không được đổ ra sông nữa. Thành phố đang gom các nguồn nước thải trên vào một đường ống để dẫn xuống Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý.
Duy trì dòng chảy tối thiểu, sông sẽ trong xanh
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho biết, để có thể hồi sinh các sông trên địa bàn thành phố, trước tiên, cần xác định căn nguyên gây ô nhiễm và lượng nước thải để có giải pháp khả thi, phù hợp từng giai đoạn. Trước tiên ông Tứ cho rằng, phải kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch.
Đối với sông Nhuệ, cần xây dựng các công trình lấy nước trực tiếp từ sông Đáy, sông Hồng để bổ sung nguồn nước sạch, tránh nước tù đọng và duy trì dòng chảy thường xuyên. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để tiếp thêm nguồn cho sông Tô Lịch cấp đủ nước và duy trì dòng chảy tối thiểu trên hệ thống.
Đối với sông Tô Lịch, cần khôi phục dòng chảy sông bằng giải pháp lấy nước từ sông Hồng qua trạm bơm đặt ở cuối ngõ 464 Âu Cơ. Nước sông Hồng sau khi được lắng sơ bộ, sẽ được bơm theo đường ống và đổ vào thượng lưu sông Tô Lịch.
Trong những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để 'hồi sinh' các dòng sông chết qua nội thành, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Đến nay, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270 nghìn m3/ngày đêm) đã cơ bản hoàn thành.
Tồn tại lớn nhất của dự án là việc xây dựng hệ thống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý. Trong đó, hệ thống tuyến cống ngầm dọc sông Tô Lịch (hơn 21km) đã hoàn thành 90% khối lượng; cống dọc sông Lừ (hơn 7km) được 10%; cống khu vực Hà Đông đạt 16% khối lượng.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cửa xả nước thải. Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch.