Đề xuất phụ cấp cho GV mầm non từ 45-80%: 'Người trong cuộc' phấn khởi

Theo Dự thảo Nghị định mới, giáo viên mầm non, tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

.t1 { max-width: 100%; }

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Theo dự thảo, mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non tại vùng thuận lợi sẽ tăng từ 35% lên 45%, còn tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ tăng lên 80%.

Tiếp thêm động lực để giáo viên mầm non yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Bách, giáo viên Trường mầm non Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ, giáo dục mầm non là bậc học nền tảng, góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho trẻ. Thông tin về dự thảo tăng phụ cấp đã mang đến niềm vui lớn cho đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là những thầy cô đang ngày ngày miệt mài cắm bản nơi vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt và đời sống kinh tế.

Khi phụ cấp được điều chỉnh, thu nhập tăng lên, giáo viên có thêm điều kiện để chăm lo cho gia đình, trang trải cuộc sống và yên tâm gắn bó với nghề.

Đặc biệt ở vùng cao, nơi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, giáo viên còn luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến học trò và gia đình các em. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy cô không chỉ là người dạy chữ, mà còn sẵn lòng sẻ chia, góp phần hỗ trợ từ chính đồng lương của mình để giúp các em.

Vì vậy, đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, chính sách này còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và thiết thực của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành đối với những người đang âm thầm “vun trồng” những mầm xanh cho tương lai đất nước.

Theo cô Bách, so với các bậc học khác, bậc học mầm non còn nhiều vướng mắc, vất vả, và mỗi khu vực lại có những khó khăn khác nhau. Về tính chất công việc, các cô giáo phải vào đủ vai, đủ nghề như: hát, múa, vẽ, diễn kịch,...

Bên cạnh đó những đầu việc phát sinh liên tục khó nói trước như: trẻ bị ốm, quấy khóc, hiếu động,... Đó vừa là nhiệm vụ vừa là trách nhiệm mà giáo viên mầm non phải hoàn thành trong quá trình công tác.

Đồng thời, ngoài công việc chăm sóc, nuôi dưỡng hằng ngày, giáo viên mầm non còn đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc giáo dục, hình thành những kỹ năng đầu đời cho trẻ. Giáo viên thường phải có mặt ở trường lúc 6h30 để các em vào lớp, có phụ huynh đi làm về muộn, 18 giờ mới đón trẻ nên giáo viên phải chờ phụ huynh đến đón con. Trả trẻ xong, giáo viên ở lại lớp để dọn dẹp, sắp xếp đồ chơi cũng như các công việc không tên khác.

Ngoài ra, giáo viên mầm non cũng chịu áp lực trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ như thường xuyên nghe tiếng ồn do trẻ nô đùa, khóc, nhất là những trẻ mới đi lớp, chưa quen bạn bè nên hay quấy nhiễu. Bên cạnh đó, các cô cũng tham gia hoạt động múa, hát, vận động thường xuyên với trẻ nên phải có sức khỏe nhất định thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

 Cô Phạm Thị Bách, giáo viên Trường mầm non Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: NVCC

Cô Phạm Thị Bách, giáo viên Trường mầm non Thượng Giáo (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: NVCC

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Vũ Thị Gấm, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hữu Sản (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) cho biết đời sống của giáo viên mầm non, đặc biệt là những giáo viên ở vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập còn thấp, nhiều cô phải làm những công việc khác như kinh doanh online, buôn bán để có thêm kinh tế chăm lo cho gia đình, trang trải cuộc sống.

Vì vậy, đội ngũ nhân viên trường học ai cũng phấn khởi với dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức và người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, trong đó điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề với giáo viên mầm non.

Đồng thời, việc này cũng góp phần thu hút giáo viên mầm non, giúp các cô yên tâm cống hiến, từ đó chất lượng giáo dục và sự yêu trường, bám lớp cũng được tăng thêm.

Chia sẻ về công việc thực tế của giáo viên mầm non, cô Gấm cho biết, dạy dỗ trẻ em từ 3 đến 6 tuổi là lứa tuổi khá hiếu động nên các giáo viên phải làm việc trong môi trường nhiều áp lực. Các cô có mặt tại trường từ 6h45 để đón trẻ, dọn dẹp, vệ sinh lớp học, chuẩn bị môi trường an toàn, sạch sẽ cho các em. Suốt cả ngày, từ sáng đến 17h30, các cô luôn túc trực bên trẻ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động vui chơi và học tập. Chiều đến, khi trẻ về, các cô lại tiếp tục vệ sinh lớp, sắp xếp lại đồ dùng. Nhiều phụ huynh đón con muộn, các cô cũng sẵn lòng nán lại, không quản ngại thời gian.

Ở những vùng có điều kiện giao thông thuận lợi thì đỡ vất vả hơn, nhưng với những nơi vùng núi, mùa mưa đến đường trơn trượt, lầy lội, việc đi lại nguy hiểm. Thêm vào đó, điều kiện nhà ở cho giáo viên mầm non cũng còn nhiều hạn chế; nhà công vụ còn ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Mặt khác, đối với trẻ em ở độ tuổi mầm non, phụ huynh kỳ vọng nhiều về sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên mầm non hơn so với phụ huynh các cấp học khác

“Với đặc thù nghề nghiệp, giáo viên mầm non đang gặp nhiều khó khăn vất vả, vì vậy việc nâng phụ cấp không chỉ để tăng thu nhập, mà còn là sự công nhận đúng mức với công việc thầm lặng mà cao quý của các cô giáo mầm non”, cô Gấm chia sẻ.

Còn theo cô Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Nọi (Mù Cang Chải, Yên Bái), việc điều chỉnh mức phụ cấp sẽ giúp giáo viên gắn bó hơn nữa với nghề, bởi hiện nay lương còn thấp, công việc vất vả khiến họ ít có thời gian làm thêm hay gia tăng sản xuất cùng gia đình.

Bên cạnh đó, với đặc thù công việc, đội ngũ giáo viên mầm non không đơn thuần là “người trông trẻ” mà còn là những người cùng gia đình định hình nhân cách, ngôn ngữ, vận động và cảm xúc cho trẻ. Đội ngũ công tác trong trường mầm non hầu hết phải thức khuya dậy sớm để đảm bảo yêu cầu của nghề, của trường. Cuối ngày, có thể có cháu được đón muộn do phụ huynh có việc bận đột xuất, cô lại là người cùng trẻ chờ bố mẹ, người thân đến đón. Việc đi sớm về muộn mỗi ngày cũng là chuyện thường xuyên với cô giáo mầm non..

Vì vậy, khi điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi sẽ giúp giáo viên gắn bó hơn nữa với nghề. Đặc biệt với giáo viên trẻ mới ra trường, mức lương khởi điểm chưa cao nhưng khi nhận phụ cấp cao các cô sẽ thêm động lực phấn đấu và toàn tâm toàn ý làm việc.

Đây cũng được xem như chính sách góp phần hạn chế tình trạng nghỉ việc của giáo viên mầm non, giúp các cô yên tâm cống hiến cũng như thu hút những sinh viên có năng lực vào ngành sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục”.

Mong muốn có thêm đãi ngộ cho nhân viên nuôi dưỡng

Theo cô Phạm Thị Bách, vì đặc thù công việc phải tiếp xúc với trẻ nhỏ, có trách nhiệm cao trong công việc để đảm bảo chất lượng giáo dục, sự an toàn cho trẻ nên nếu được đề xuất thêm nghỉ hưu trước tuổi sẽ rất hợp lý. Nhiều giáo viên tuy có kinh nghiệm và tình yêu nghề, nhưng khi bước qua tuổi 55, giáo viên khó duy trì sự linh hoạt, tư duy sáng tạo và sức khỏe như trước. Đặc thù công việc của giáo viên mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng và tổ chức các hoạt động thể chất, vui chơi phù hợp với độ tuổi trẻ mầm non.

Hơn nữa, trẻ nhỏ thường yêu thích những cô giáo trẻ trung, năng động, dễ tạo sự gần gũi và gắn kết trong các hoạt động của lớp học.

Việc cho phép giáo viên mầm non có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm là một chính sách khuyến khích giúp giữ chân đội ngũ giáo viên lâu năm, đồng thời thu hút thêm nguồn lực giáo viên trẻ chất lượng gia nhập ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, một trong những vị trí đóng vai trò không kém phần quan trọng đó là nhân viên nuôi dưỡng, dù không đóng góp trực tiếp vào quá trình giảng dạy nhưng họ luôn đứng phía sau để chăm sóc, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Dù vậy, hiện nhân viên nuôi dưỡng ở các trường mầm non chưa có thêm bất cứ phụ cấp nào ngoài lương, thu nhập không đảm bảo để trang trải cuộc sống, không được biên chế vì thế bị thiệt thòi nhiều quyền lợi.

Nhiều cô nuôi dưỡng có điều kiện khó khăn, đi làm xa, công việc của đội ngũ nhân viên nhà bếp vất vả không thua kém các bộ phận khác nhưng mức thu nhập còn thấp khiến động lực cống hiến cũng bị giảm, đồng thời khó khăn khi thu hút đội ngũ này.

Vì vậy, nếu được quan tâm, có thêm chế độ phụ cấp dành cho đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non công lập thuộc nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và được hưởng các chế độ phụ cấp xứng đáng sẽ giúp đội ngũ này yên tâm công tác, cống hiến cũng như ổn định cuộc sống.

 Học sinh mầm non Trường mầm non Hữu Sản (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Website nhà trường

Học sinh mầm non Trường mầm non Hữu Sản (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Website nhà trường

Đồng quan điểm, theo cô Vũ Thị Gấm, rất cần có thêm đãi ngộ cho nhân viên nuôi dưỡng tại các trường mầm non, nhất là về thu nhập để mọi người có thể yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Công việc của các nhân viên nuôi dưỡng cũng rất nặng nhọc khi thời gian làm việc cũng tương đương với giáo viên mầm non mà chưa được thêm phụ cấp nào từ ngân sách Nhà nước.

Đồng lương không cao nhưng công việc của các cô nuôi khá vất vả, sáng có mặt từ 6 giờ 30 phút để giao nhận, sơ chế, sắp xếp, chế biến thực phẩm. Các cô nuôi phải tiếp xúc thường xuyên với khí ga độc hại, hơi nóng nên hay bị bệnh viêm mũi, viêm xoang và chịu nhiều tiếng ồn do máy hút mùi kêu to. Công việc hay phải khiêng, nhấc nặng như nồi canh, nồi thức ăn to có nguy cơ gây đau lưng, tay làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Đồng thời, ngoài chính sách hỗ trợ về thu nhập, cần cải thiện cơ sở vật chất, có thêm nhà công vụ, bổ sung biên chế cho những nơi còn thiếu giáo viên, bởi hiện nay, ở bậc mầm non mỗi lớp có từ 25 đến 35 cháu, phải có ít nhất 2 giáo viên phụ trách mới có thể đảm nhiệm hết khối lượng công việc. Tuy nhiên, ở nhiều nơi còn thiếu giáo viên, công việc của các cô lại càng vất vả, khó khăn hơn.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nên việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong trường mầm non là hết sức quan trọng trong việc phát triển nền giáo dục quốc dân nói chung và mầm non nói riêng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, cần khuyến khích mỗi thầy, cô tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học, tích cực tự làm đồ dùng dạy học

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-xuat-phu-cap-cho-gv-mam-non-tu-45-80-nguoi-trong-cuoc-phan-khoi-post251504.gd