Đề xuất sĩ quan lực lượng vũ trang làm công tác xây dựng pháp luật được hỗ trợ hằng tháng 100% lương

Ngày 15/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp và được thảo luận tại tổ, chiều cùng ngày.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết tập trung vào 3 chính sách lớn: Chính sách về cơ chế tài chính; chính sách về bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chính sách về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

Chính phủ đề xuất ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi NSNN hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển (không bao gồm chi thường xuyên về trả lương).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).

Đối tượng trên bao gồm: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách; lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục kèm theo nghị quyết này.

Bên cạnh đó, còn có đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm UBPLTP Hoàng Thanh Tùng.

Quy định trên không áp dụng đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ Thứ trưởng và tương đương trở lên, trừ ĐBQH hoạt động chuyên trách. Thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại nghị quyết này được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.

Chính phủ đánh giá, việc thực hiện chính sách đối với một số nhóm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang được hưởng hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương hiện hưởng thể hiện như dự thảo về cơ bản không làm tăng đáng kể NSNN, chi hỗ trợ hằng tháng dự tính là 216,369 tỷ đồng/năm dành cho cán bộ cả ở Trung ương và địa phương.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết với cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; tán thành việc trình dự án theo trình tự, thủ tục rút gọn.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh thảo luận tại tổ, chiều 15/5.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh thảo luận tại tổ, chiều 15/5.

UBPLTP cũng cơ bản tán thành với quy định về chế độ hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật như dự thảo. Đồng thời, Cơ quan thẩm tra nhận thấy, chính sách hỗ trợ hằng tháng không chỉ đơn thuần là việc tăng thu nhập, tạo động lực, khuyến khích cống hiến, mà còn để xác định rõ trách nhiệm, tính liêm chính, yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức này trong thực thi công vụ, là giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, hướng tới mục tiêu chuyên nghiệp hóa và ổn định nguồn nhân lực này trong dài hạn.

Thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đồng tình với việc ban hành nghị quyết cũng như quy định về chế độ chính sách đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật. Góp ý kiến, bà đề nghị nên quy định đầy đủ, cơ bản các đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng, chỉ giao Chính phủ quy định một số đối tượng chưa nhận diện được hết.

Tại các bộ, ngành đề nghị bổ sung đối tượng là người làm công tác xây dựng chính sách tại các Phòng Pháp chế hoặc Phòng Chính sách tại các Cục hoặc tương đương. "Có ý kiến đề nghị, mức hỗ trợ với các đối tượng này có thể thể ít hơn 100%, nhưng họ là những người thường xuyên phải làm công tác pháp chế, tham mưu xây dựng các văn bản trên các lĩnh vực song chưa phải là đối tượng trong nghị quyết này", bà lý giải.

Tại địa phương, đại biểu đề nghị bổ sung những người làm công tác đại biểu tại HĐND, bởi thực tế những người này thường xuyên, định kỳ tham mưu HĐND và các đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng các chính sách pháp luật. Cùng với đó là các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại các địa phương, kể cả cấp tỉnh và cấp xã. Tại Sở Tư pháp, đề nghị đối tượng bao gồm tất cả lãnh đạo Sở Tư pháp, thay vì chỉ Giám đốc và 1 Phó Giám đốc phụ trách như dự thảo. "Đã là lãnh đạo Sở Tư pháp thì đều có tham gia công tác xây dựng pháp luật", nữ đại biểu bổ sung thêm.

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/de-xuat-si-quan-luc-luong-vu-trang-lam-cong-tac-xay-dung-phap-luat-duoc-ho-tro-hang-thang-100-luong-i768476/