Đề xuất sửa đổi chính sách đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

Từ năm 2021 đến tháng 8/2024, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.973 bộ đội xuất ngũ, công an xuất ngũ, thanh niên tình nguyện. Quá trình thực hiện, An Giang và nhiều địa phương khác trong cả nước gặp vướng mắc về thanh - quyết toán cho bộ đội xuất ngũ (có hộ khẩu thường trú ngoài địa phương, nhưng đăng ký và học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh).

Chính phủ ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015, quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Cụ thể, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội (gọi chung là bộ đội xuất ngũ) tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề, có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp.

Sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành Thông tư 43/2016/TT- BLĐTBXH, ngày 28/12/2016, hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP. Bộ đội xuất ngũ có thể lựa chọn và đăng ký học nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu học nghề, nhu cầu của thị trường lao động và phù hợp với điều kiện của bản thân.

UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ (trên địa bàn cả nước) đang theo học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH.

Quân nhân tìm hiểu chính sách đào tạo nghề trước khi xuất ngũ

Quân nhân tìm hiểu chính sách đào tạo nghề trước khi xuất ngũ

“Hiện nay, tỉnh chưa tự cân đối thu chi, phải nhận trợ cấp cân đối từ Trung ương (khoảng 60% nhu cầu chi ngân sách địa phương). Thời gian qua, địa phương chỉ đảm bảo được việc thanh toán kinh phí đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ có hộ khẩu thường trú trong tỉnh, chưa thể hỗ trợ cho thanh niên có hộ khẩu thường trú ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, ngân sách Trung ương không hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ” - Giám đốc Sở LĐTB&XH Châu Văn Ly cho biết.

UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính xem xét 1 trong 2 đề xuất. Phương án 1, Bộ LĐTB&XH ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH về “đối tượng”, “nguồn kinh phí” thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ cho phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, đối tượng được hỗ trợ đào tạo đúng địa bàn thường trú. Phương án 2, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho địa phương để đảm bảo nguồn thực hiện chính sách cho các đối tượng theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH. Đối với kiến nghị trên, Bộ LĐTB&XH trả lời ngày 9/8/2024 theo hướng tiếp thu kiến nghị, sẽ nghiên cứu để đề xuất, sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ phù hợp với tình hình thực tế và triển khai theo quy định.

Anh Lê Tín Nhiệm (ngụ TP. Long Xuyên) xuất ngũ năm 2022, được cấp thẻ học nghề nên chọn học lái xe ôtô. “Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Nhà nước về chính sách cho bộ đội xuất ngũ. Chúng tôi có thể chọn học nghề miễn phí, không cần lo ngại chi phí. Nhưng không phải ai cũng có thời gian học nghề sau khi xuất ngũ. Bản thân tôi phải học tiếp chương trình chuyên môn (đã bảo lưu trước đó để nhập ngũ), nên khó có thời gian học nghề, trong khi thẻ học nghề chỉ có thời hạn 1 năm. Tôi kiến nghị, có thể cho phép bảo lưu thời hạn thẻ thêm một thời gian nhất định (6 tháng hoặc 1 năm). Bất cập thứ 2 là ngành nghề học chưa phong phú, nhiều ngành để lựa chọn. Hầu hết ngành học chỉ xoay quanh lái xe, sửa chữa ôtô hoặc xuất khẩu lao động... Điều này sẽ dẫn đến tình trạng bỏ phí thẻ vì không có nhu cầu học. Chưa kể, quá trình thanh toán tiền dư của thẻ kéo dài khá lâu (hơn 1 năm), gây tâm lý chờ đợi, lo lắng” - anh Nhiệm nêu ý kiến.

Đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo để tham gia thị trường lao động sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đây là nguồn lao động có tuổi đời trẻ, sức khỏe tốt, dễ dàng thích ứng với nhiều vị trí công việc. Để chính sách nhân văn này phát huy hiệu quả, rất cần Trung ương, bộ, ngành liên quan tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, khả thi.

Theo Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH, bộ đội xuất ngũ được chi hỗ trợ đào tạo quy định (Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC, ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng); chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại vượt quá giá trị tối đa của thẻ, thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp tổng chi hỗ trợ đào tạo và chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại thấp hơn giá trị tối đa của thẻ, thì ngân sách Nhà nước quyết toán số chi thực tế.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/de-xuat-sua-doi-chinh-sach-dao-tao-nghe-cho-bo-doi-xuat-ngu-a408109.html