Đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, và bổ sung yêu cầu về kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ

Về kiểm nghiệm thực phẩm, hiện Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung yêu cầu về kiểm nghiệm định kỳ để sản phẩm lưu hành trên thị trường luôn đảm bảo chất lượng và an toàn...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 11/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm (sửa đổi).

TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ TÍCH CỰC CHO HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo 3 nhóm chính sách gồm: Quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thực phẩm, trong đó tập trung vào các vấn đề về đăng ký và tự công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước và quản lý các sản phẩm phải kiểm soát đặc biệt; quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phân công, phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau hơn 14 năm thi hành Luật An toàn thực phẩm và các Nghị định quy định chi tiết, các quy định về an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại hiện hành đã tạo hành lang pháp lý tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Cụ thể, đã hình thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm gồm trên 2.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trên 68% tiêu chuẩn Việt Nam được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật để quản lý đã được các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc; kịp thời áp dụng, triển khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống do các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế ban hành.

Danh mục các phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tương đối đầy đủ và tương đồng với quy định của các nước trên thế giới, tạo thuận lợi trong công tác quản lý điều kiện cơ sở và sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Tuy nhiên đến nay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: thiếu khái niệm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, nguyên liệu thực phẩm; thiếu quy định về chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật..

Vì vậy, việc sửa đổi Luật An toàn thực phẩm là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam và phát triển kinh tế xã hội; giảm bớt trở ngại trong sản xuất-kinh doanh, không ảnh hưởng tới thương mại, tăng các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm và hướng dẫn người sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng, đủ các quy định của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung cũng nhằm thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định ASEAN...

CẦN LÀM RÕ NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay thế giới có 2 phương thức quản lý về thực phẩm là quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất.

Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lựa chọn cách tiếp cận về phương thức quản lý theo sản phẩm cuối cùng hay cơ sở sản xuất để đề xuất các chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương; giữa cấp tỉnh, huyện, xã để tránh chồng chéo, bỏ sót trong quản lý, rõ đầu mối chịu trách nhiệm theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương trực tiếp quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh trừ các cơ sở có xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cơ quan Trung ương quản lý.

Cấp Trung ương chỉ xây dựng cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm tra giám sát việc thực hiện của địa phương.

Mặt khác phải làm rõ một số nội dung như: nhóm sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn nào phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm, nhóm nào được tự công bố; sản phẩm nào áp dụng kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm; sản phẩm nào phải kiểm soát đặc biệt…

Về kiểm nghiệm thực phẩm, hiện Bộ Y tế đang đề xuất bổ sung yêu cầu về kiểm nghiệm định kỳ để sản phẩm lưu hành trên thị trường luôn đảm bảo chất lượng và an toàn.

Tuy nhiên, theo đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất này có thể tạo gánh nặng chi phí tới doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực bảo đảm tính an toàn và chất lượng sản phẩm không chỉ vì lợi ích của người tiêu dùng mà còn để duy trì thương hiệu.

Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tham khảo thêm thông lệ quốc tế và các khuyến nghị của doanh nghiệp để làm rõ nội dung này.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động của việc chuyển từ “hậu kiểm” sang “tiền kiểm”; làm rõ công bố sản phẩm được thực hiện như thế nào, có theo pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hay không…

Nguyệt Như

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-sua-doi-luat-an-toan-thuc-pham-va-bo-sung-yeu-cau-ve-kiem-nghiem-san-pham-dinh-ky.htm