Đề xuất sửa đổi một số nội dung còn bất cập, hạn chế trong Luật Giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Thời gian lấy ý kiến từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Một trong những phòng học được đầu tư đồng bộ tại Trường THCS Thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, gồm 9 chương, 115 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và thay thế Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Trong quá trình thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng như hiện nay. Trong đó, một số điều được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo có tác động trực tiếp đến người học.
Sửa đổi, bổ sung Điều 6 về Hệ thống giáo dục quốc dân
Theo dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng xác định rõ các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học. Nội dung sửa không làm ảnh hưởng đến các quy định về cấp học và trình độ đào tạo đối với các điều liên quan trong toàn bộ Luật hiện hành.
Điểm mới trong quy định này là: Bổ sung Trung học nghề là cấp học, không có trường trung cấp (chuyển sang Trung học nghề: chương trình tích hợp kiến thức Trung học Phổ thông). Không cấp bằng trung cấp (thay bằng bằng Trung học nghề); Định nghĩa giáo dục đại học để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống. Như vậy, trong chương trình Trung học nghề, học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Học sinh hết lớp 9 có 3 lựa chọn: Vào Trung học Phổ thông; Học Trung học nghề với chứng chỉ Sơ cấp; Học Trung học nghề với chứng chỉ Trung cấp nghề.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau Trung học Cơ sở; tạo cơ hội học liên thông, học suốt đời… Hệ thống này sẽ phù hợp với cách tiếp cận hệ thống của UNESCO.
Sửa đổi quy định về văn bằng, chứng chỉ
Dự thảo cũng đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở và giao thẩm quyền cho Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở; giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Phổ thông cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông thay cho việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng.
Nội dung sửa đổi nêu trên phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng”, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này cũng đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và xu thế quốc tế. Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng. Việc xác nhận hoàn thành chương trình Trung học Cơ sở không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.
Sửa đổi, bổ sung quy định về sách giáo khoa và tài liệu giáo dục

Các bộ sách giáo khoa mẫu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN
Các nội dung quy định chi tiết trong Luật hiện hành về thành phần, tiêu chuẩn Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, về trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và hội đồng thẩm định cấp tỉnh) cũng dự kiến được lược bỏ.
Dự thảo Luật quy định chung: Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Việc lược bỏ các nội dung quy định chi tiết nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền, giao việc tổ chức biên soạn “Tài liệu giáo dục địa phương” cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Sửa đổi quy định này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính theo chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ (không còn thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt). Bên cạnh đó, việc này khắc phục bất cập của Luật hiện hành: Điều 32 tên điều là “sách giáo khoa” nhưng nội dung Điều quy định cả về “tài liệu giáo dục địa phương”. Theo quy định của Luật Giá 2023 (Phụ lục số 2), Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm định giá tối đa đối với sách giáo khoa. Quy định tại Điều 32 Luật Giáo dục dục dẫn đến việc tài liệu giáo dục địa phương cũng được hiểu là sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có trách nhiệm định giá tối đa với tài liệu này, điều này không phù hợp với thực tiễn và không hợp lý. Vì vậy, Luật sửa theo hướng tách riêng quy định về tài liệu giáo dục địa phương thành 1 khoản riêng, không nằm trong khoản quy định về sách giáo khoa.
Sửa đổi, bổ sung quy định về miễn học phí

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ/TTXVN
Trong dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xuất sửa đổi, bổ sung quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong trường công lập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 99).
Nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 3/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng tại phiên họp ngày 28/2/2025. Đồng thời làm rõ nội hàm “dịch vụ hỗ trợ giáo dục” (bổ sung nội dung khoản 2 Điều 99): Dịch vụ hỗ trợ giáo dục gồm việc cung cấp các dịch vụ giáo dục nhưng không phải là dịch vụ giảng dạy để hỗ trợ về hệ thống hoặc phương pháp giáo dục không trùng với các hoạt động được ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu học phí đảm bảo thì được xác định mức thu theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí.
Dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách miễn học phí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và từ nguồn lực hợp pháp khác.
Đối với chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, Chính phủ bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện, trong đó ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục; nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.