Đề xuất tách hai nhóm đối tượng để có lộ trình tăng lương năm 2020
Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 15/6, Đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề xuất tăng lương cho một số nhóm đối tượng nhất định.
Trước đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội chiều 15/6, Đại biểu Đinh Văn Nhã chia sẻ: "Với tất cả chúng ta, dù thu nhập cao hay thấp nhưng mỗi khi nghe đến tăng lương thì ai cũng vui. Vì vậy, khi nghe đề xuất hoãn tăng lương của Chính phủ, nhiều người sẽ buồn".
"Dù còn một năm nữa mới về hưu, nhưng tôi thử đặt mình vào vị trí của những người hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp xã hội vốn có thu nhập thấp thì sẽ hiểu tâm thế của họ. Vì vậy, Chính phủ nên xử lý đề xuất hoãn tăng lương một cách hợp tình, hợp lý hơn", Đại biểu nói.
theo ông Nhã, Chính phủ nên tách thành hai nhóm để có lộ trình tăng lương phù hợp.
Đối tượng thứ nhất, đối với người nghỉ hưu hưởng trợ cấp xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng thì vẫn cần phải tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/7/2020 theo Nghị quyết của Quốc hội.
"Nếu Chính phủ rà soát lại, thấy không cân đối được ngân sách để tăng lương cho tất cả những người này, tôi đề nghị tăng lương trước với những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước, vì đây là nhóm người có thu nhập rất thấp", ông Nhã đề xuất
Với nhóm thứ hai là những người đang làm việc hưởng lương từ ngân sách, theo ông Nhã, tạm thời chưa tăng lương.
"Nếu đến tháng 10 tăng trưởng kinh tế đạt kịch bản số 1 (GDP tăng 4,9% trở lên) thì đề nghị Chính phủ tăng lương cho nhóm này từ tháng 1/2021", đại biểu Đinh Văn Nhã đề xuất.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội vào sáng (13/6), đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (đoàn Đắk Lắk) cho biết bà chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức. Tuy vậy nữ đại biểu này cho rằng hoãn tăng lương chỉ nên là giải pháp tình thế.
"Về tâm lý, đa số người công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng chỉ số tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của đồng lương, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giá giảm giá trị của đồng lương, giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống. Đồng thời, đa số công chức viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút", Đại biểu nói.
Theo đại biểu, giải pháp căn cơ, thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải thực sự là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thật sự là thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả và đặc biệt là chúng ta phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.