Đề xuất tăng chế tài xử lý các hành vi xâm hại lao động nữ tại nơi làm việc

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi, bổ sung nội dung nhằm tăng cường bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ tại nơi làm việc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bổ sung quy định về quyền của đoàn viên công đoàn

Qua tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, bà Thái Thu Xương, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Luật Công đoàn hiện hành góp phần quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện quyền của lao động nữ.

Tuy nhiên, Luật này có một số quy định còn chưa rõ và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện bình đẳng giới, đảm bảo cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Đặc biệt, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động công đoàn.

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động. Doanh nghiệp chậm trễ đóng BHXH thì người bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động nữ. Bởi trong thời gian đó, lao động nữ nghỉ thai sản, hay bị đau ốm thì không được hưởng chính sách này.

Trong khi đó, việc công đoàn làm đại diện khởi kiện các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, chây ỳ không đóng BHXH cho người lao động vẫn chưa được là bao. Phần lớn công nhân, người lao động đều góp ý cần xây dựng chế tài mạnh hơn nữa, giao quyền mạnh hơn cho công đoàn để đại diện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Cán bộ công đoàn địa phương đồng hành với người lao động tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Hoàng Trung

Cán bộ công đoàn địa phương đồng hành với người lao động tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: Hoàng Trung

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn các quy định liên quan tới lao động nữ. Cụ thể như: Bổ sung quy định "Vì sự tiến bộ của phụ nữ" vào khoản 11 Điều 11 để đảm bảo cho lao động nữ có cơ hội phát triển bản thân trong lao động, học tập và thăng tiến.

Tại khoản 5 Điều 21, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền của đoàn viên công đoàn là được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ thông tin với tổ chức công đoàn về lao động, việc làm, đời sống nhằm giúp tổ chức công đoàn tiếp cận và gần gũi hơn với người lao động, trong đó có lao động nữ, để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi cần thiết.

Đặc biệt, Khoản 6 Điều 21 bổ sung quy định người lao động được công đoàn tư vấn, hỗ trợ xây dựng đời sống gia đình, nuôi dạy, chăm sóc con theo đúng chức năng, nhiệm vụ tổ chức công đoàn đang thực hiện...

Thẩm tra dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình việc sửa đổi toàn diện dự án luật, sửa đổi 32/33 điều, trong đó bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ 1 điều của Luật hiện hành. Đặc biệt, dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra như: Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, phong trào công nhân, khuyến khích xã hội hóa nguồn lực...

Cùng với đó là các nội dung về bảo đảm chính sách dân tộc; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật; hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10); về quyền, trách nhiệm đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động của Công đoàn (Điều 11)...

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Nâng cao vai trò của công đoàn trong phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Về thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, cho rằng: Dự thảo Luật đề cập quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động…

Trong đó, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc là góp phần hiệu quả trong đảm bảo quyền của lao động nữ. Trước tiên, công đoàn cần ưu tiên, đảm bảo bình đẳng cho lao động nữ về cơ hội việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc và các phúc lợi khác…

Đặc biệt, tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một vấn đề đáng lo ngại. Nạn nhân thường tập trung vào lao động nữ. Pháp luật hiện hành đã có quy định và chế tài với hành vi này, được quy định ở Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự. Còn tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), vai trò của công đoàn là trách nhiệm đại diện, bảo vệ lao động nữ khi bị xâm phạm và có các hành động, biện pháp để phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Luật Công đoàn 2012 không trực tiếp nhắc đến trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc phòng, chống quấy rối tình dục. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, công đoàn có tham gia trong quá trình đại diện bảo vệ người lao động khi họ bị xâm phạm và thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng và cần sự bảo mật thông tin, danh dự, nhân phẩm. Vì vậy, công đoàn phải thực sự tạo được sự tin tưởng đối với người lao động để họ dám lên tiếng, chia sẻ. Bà Phạm Thị Thu Lan đề xuất, tổ chức công đoàn cần xây dựng bộ tài liệu về tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phổ biến rộng rãi đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Liên, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đề xuất công đoàn tập trung tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc trong nữ công nhân lao động;

cần chú trọng tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Chương X của Bộ luật Lao động 2019, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng với lao động nữ, phòng, chống quấy rối tại nơi làm việc; quan tâm chăm lo con của người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo.

Hàng năm, các cấp công đoàn bố trí nguồn kinh phí chi cho các hoạt động về giới, bình đẳng giới theo quy định nhằm chăm lo cho lao động nữ…

Theo ban tổ chức Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tổng số công nhân, viên chức lao động là trên 15 triệu người, trong đó nữ là trên 8 triệu người, chiếm hơn 50%. Tính đến ngày 30/11/2023, tổng số đoàn viên công đoàn là hơn 11 triệu người, trong đó đoàn viên nữ là hơn 6 triệu (chiếm 53,8% đoàn viên công đoàn).

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-tang-che-tai-xu-ly-cac-hanh-vi-xam-hai-lao-dong-nu-tai-noi-lam-viec-20240620142234018.htm