Đề xuất tăng chế tài xử phạt lĩnh vực an toàn thực phẩm

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô vẫn còn không ít tồn tại kéo dài, chậm khắc phục, gây bức xúc trong dư luận. Qua khảo sát, HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ những bất cập, kiến nghị các giải pháp căn cơ, đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người dân.

Chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm

Theo đánh giá của HĐND thành phố Hà Nội, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ, đạt kết quả tốt. Trong đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành triển khai, thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương và quy định của pháp luật về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn. Đồng thời, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiều chương trình, dự án, đề án, mô hình điểm về ATTP.

Tuy nhiên, qua khảo sát của HĐND thành phố, việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài (từ các phiên giải trình, khảo sát, giám sát năm 2019, 2020, 2023 đến nay), chậm được khắc phục. Cụ thể, việc triển khai Quyết định số 761/QĐ-UBND, ngày 17/2/2020 của UBND thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra khi mới có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, đi vào hoạt động; chưa triển khai xây dựng 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ. Thậm chí, vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tồn tại trong khu dân cư chưa được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường; vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không bảo đảm ATTP, chưa được kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.

HĐND thành phố giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở giết mổ gia cầm tại huyện Thường Tín. Ảnh: N. Khôi

HĐND thành phố giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số cơ sở giết mổ gia cầm tại huyện Thường Tín. Ảnh: N. Khôi

Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc rau, củ, hoa quả, thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là các chợ đầu mối còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...

Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm về ATTP. Chính quyền một số địa phương, nhất là cấp xã chưa quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, còn nương nhẹ, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo. Trong khi đó, công tác tuyên truyền dù được quan tâm nhưng còn hình thức, thiếu đổi mới, chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh và người dân. Đặc biệt, công tác kiểm tra còn mang tính hành chính, chưa xác định trọng tâm kiểm tra đối với chất lượng sản phẩm hoặc các nguy cơ mất ATTP; chưa phát hiện được các cơ sở vi phạm có quy mô lớn; công tác hậu kiểm chưa được chú trọng...

Phân cấp quản lý phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Theo HĐND thành phố Hà Nội, những tồn tại, bất cập trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP có nguyên nhân khách quan do Hà Nội có dân số đông, nhu cầu tiêu dùng cao, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhiều, đa dạng; trong khi đó, thường xuyên có một lượng lớn thực phẩm nhập về từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu nên khó khăn trong công tác thống kê, rà soát và quản lý. Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP do nhiều cơ quan ban hành còn chồng chéo, thiếu đồng bộ dẫn đến không hiệu quả; hoạt động kiểm tra định kỳ còn thông báo trước dẫn đến doanh nghiệp có sự chuẩn bị để đối phó với các đoàn kiểm tra tại thời điểm kiểm tra...

Đặc biệt, hoạt động của Ban Chỉ đạo về ATTP ở một số xã còn hình thức, hiệu quả chưa cao, có nơi, có lúc có biểu hiện buông lỏng. Công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP còn mang tính hình thức với chất lượng, hiệu quả chưa cao, trong khi việc xử lý vi phạm còn nhẹ, chủ yếu là nhắc nhở, chưa bảo đảm tính răn đe. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP mỏng, nhiều cán bộ kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn tới công tác tổng hợp, nắm bắt thị trường còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu quản lý về ATTP.

Để có thể khắc phục những bất cập nêu trên, HĐND thành phố kiến nghị, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, như: Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...; qua đó, hướng dẫn thi hành bảo đảm đồng bộ. Đồng thời, cần thống nhất giao một cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác bảo đảm ATTP từ Trung ương đến địa phương.

Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật an toàn thực phẩm; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chế tài xử lý, đặc biệt, cần xem xét việc điều chỉnh một số quy định về xử phạt (theo hướng tăng nặng) đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP để bảo đảm răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn.

Về phía UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo rà soát, sửa đổi phân cấp quản lý ATTP cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong đó, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý; chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tình trạng gia súc, gia cầm đã qua giết mổ nhưng chưa kiểm định vẫn vận chuyển, lưu thông trên thị trường... Riêng đối với các xã, phường mới thành lập, HĐND thành phố yêu cầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng ATTP trên địa bàn, đặc biệt là kiểm soát ATTP tại các chợ dân sinh, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; các cơ sở sản xuất kinh doanh; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ...

Nguyên Khôi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/de-xuat-tang-che-tai-xu-phat-linh-vuc-an-toan-thuc-pham-10379019.html