Hà Nội bứt tốc phát triển metro và công nghiệp đường sắt
Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để khởi công 2 tuyến metro trong năm nay đồng thời đề xuất Chính phủ phê duyệt địa điểm, quy mô dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt.
Gấp rút hoàn thiện thủ tục khởi công 2 tuyến metro trong năm
Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông tin, đơn vị đang đẩy nhanh các bước triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 600km vào năm 2045.
Hiện nay thành phố đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công hai tuyến đường sắt đô thị trong năm 2025, gồm tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo, dài 11,5km; Tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, dài 38,43km.
Đây là hoạt động nhằm hoàn thành nghị quyết số 188 của UBND TP Hà Nội về việc phát triển đường sắt đô thị của thành phố sẽ được phân kỳ theo 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 2024 - 2030, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành thi công khoảng 96,8km, gồm các tuyến số 2, số 3, số 5. Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho 301km thuộc các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh. Tổng nhu cầu vốn dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 14,6 tỷ USD.

Metro Nhổn- ga Hà Nội đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Chí Hiếu
Giai đoạn 2031 - 2035, Hà Nội tiếp tục hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, với sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,57 tỷ USD. Khi hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35 - 40% lượng hành khách công cộng.
Giai đoạn 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành 200,7km còn lại của các tuyến được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh. Tổng nhu cầu vốn giai đoạn này là khoảng 18,25 tỷ USD.
Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp Hà Nội giảm áp lực giao thông đô thị, mà còn thúc đẩy sự phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại và kết nối. Khi hoàn thiện, mạng lưới đường sắt đô thị sẽ trở thành trục xương sống trong hệ thống vận tải công cộng, tạo động lực phát triển cho cả khu vực nội đô và các đô thị vệ tinh.
Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển khẳng định, chỉ trong vòng gần 12 năm, Hà Nội phải hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị là nhiệm vụ nặng nề. Thậm chí mục tiêu sẽ trở nên bất khả thi nếu không kết hợp phát triển các đô thị TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) dọc theo các nhà ga của hệ thống metro. Đi đôi với đó là cơ chế quản lý có tính đặc thù vượt trội hoàn toàn so với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
Theo ông Đông, nếu không có giải pháp về cơ chế quản lý và nguồn tiền, tiếp tục vay vốn ODA thì sẽ không chủ động hoàn thành sứ mệnh lịch sử đường sắt đô thị tại TP Hà Nội. Như vậy, muốn có tiền để hoàn thành sứ mệnh thì phải làm TOD, quy hoạch TOD để đấu giá quyền đầu tư bất động sản ở khu vực đó.
Đầu tư xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt 17.509 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất địa điểm, quy mô, ranh giới dự án đầu tư xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt tại khu vực phía Nam TP Hà Nội (tại các xã: Chuyên Mỹ, Ứng Hòa, TP Hà Nội với quy mô khoảng 250 ha).
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
Theo đề xuất, tổ hợp công nghiệp đường sắt là sẽ tổ hợp công trình đa chức năng gồm: nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện - thiết bị - phụ tùng; trung tâm nghiên cứu; trung tâm sửa chữa, bảo trì; kết nối hạ tầng với tuyến đường sắt quốc gia và các công trình phụ trợ.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt 17.509 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư công sẽ được dùng để xây dựng tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia, hạ tầng kỹ thuật, trung tâm R&D và các hạng mục được nhà nước hỗ trợ; vốn nhà nước bổ sung vào doanh nghiệp sẽ dùng đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và các hạng mục liên quan; đồng thời kêu gọi nhà đầu tư cùng tham gia và hợp tác kinh doanh.
Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án xây dựng tổ hợp công nghiệp đường sắt sẽ chuẩn bị đầu tư trong vòng 1 năm; triển khai xây dựng trong vòng 3 năm để kịp hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2029.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tổ hợp có mục tiêu sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế đối với đường sắt tốc độ cao; nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất đầu máy, toa xe cho đường sắt quốc gia với tốc độ nhỏ hơn 200 km/h, đồng thời mua thiết kế và sản xuất đối với đường sắt đô thị.
Dự án cũng sẽ xây dựng phân khu chức năng thực hiện việc sửa chữa lớn đối với toàn bộ phương tiện thiết bị đường sắt, trước mắt là đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.