Sáp nhập đơn vị hành chính tạo cú hích cho bất động sản Khánh Hòa
Việc sáp nhập đơn vị hành chính giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã tạo nên một 'siêu tỉnh' mới ven biển Nam Trung Bộ, mở ra cơ hội vàng cho nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Cơ hội “vàng” cho thị trường bất động sản
Sau sáp nhập, với trục ven biển dài gần 500km, sở hữu ba sân bay, bốn cảng biển và địa thế chiến lược, Khánh Hòa mới đang vươn mình trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao và du lịch.
Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích tự nhiên hơn 8.555 km2, quy mô dân số trên 2,2 triệu người. Không chỉ tăng gấp rưỡi diện tích địa lý, tỉnh mới còn là vùng đất hiếm hoi sở hữu chuỗi giá trị biển liền mạch, kéo dài từ Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh - Vĩnh Hy - Phan Rang - Cà Ná. Chuỗi ven biển này tạo nên ưu thế vượt trội trong phát triển du lịch nghỉ dưỡng, cảng biển, logistics và năng lượng tái tạo - những ngành kinh tế trụ cột của tương lai. Sự kết hợp giữa các cảng biển quốc tế, tiềm năng điện hạt nhân và du lịch đa dạng từ Nha Trang đến Phan Rang tạo nên một thực thể kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hướng ra đại dương.

Tỉnh Khánh Hòa mới hứa hẹn trở thành điểm đến lý tưởng của giới đầu tư bất động sản.
Trước thời điểm sáp nhập, Khánh Hòa vốn đã là một điểm “nóng” của thị trường bất động sản, với ba khu vực trọng điểm là Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh, nơi hội tụ các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, cảng biển và khu công nghiệp quy mô lớn. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án lớn tại các khu vực như Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Khu kinh tế Vân Phong... Đặc biệt, các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, KN Cam Ranh, KDI Holding, VCN… đang tích cực triển khai các dự án có quy mô lớn, góp phần định hình diện mạo đô thị, du lịch cho khu vực này.
Thực tế cho thấy, từ đầu tháng 1/2025, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm bất động sản như chung cư, đất nền tại TP. Nha Trang đã có xu hướng tăng cao, đặc biệt là tại các khu vực gần các dự án vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư như Khu đô thị - Công viên - Trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa, Khu đô thị mới Nha Trang...
Theo chia sẻ của một môi giới bất động sản tại địa phương, bên cạnh các thông tin về các dự án lớn sắp được khởi công, sau sáp nhập tỉnh đã khiến giá đất tại khu vực này tăng nhanh chóng, tạo nên làn sóng đầu tư mới, khiến thị trường bất động sản sôi động.

Trên địa bàn Ninh Thuận (trước khi sáp nhập) đã có nhiều dự án phát triển nhà ở, bất động sản được cấp phép.
Kỳ vọng tăng trưởng bền vững
Trong khi đó, Ninh Thuận với vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ từ vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Núi Chúa đến biển Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná, giờ đây không còn đứng một mình, mà được tích hợp vào hệ sinh thái du lịch biển Nam Trung Bộ, mở ra một những cơ hội mới cho bất động sản ven biển bùng nổ. Một lợi thế lớn khác là mặt bằng giá bất động sản tại Ninh Thuận còn rất thấp. So với giá đất ven biển Nha Trang đang ở mức cao, thì những vị trí vàng tại Mỹ Bình, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam chỉ từ 30 - 70 triệu đồng/m². Đây được xem là mức giá ở “chân sóng”.
Trên địa bàn Ninh Thuận (trước khi sáp nhập) có nhiều dự án phát triển nhà ở, bất động sản đã được cấp phép, đang triển khai và đã hoàn thành như: Khu đô thị Đông Bắc, Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Khu đô thị Đầm Cà Ná, Khu đô thị mới Phủ Hà, Khu dân cư Tân Hội, Khu dân cư Tháp Chàm, Dự án Phan Rang Center…

Thế mạnh về du lịch, yếu tố quan trọng để thị trường bất động sản Khánh Hòa phát triển.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định rằng, sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới sở hữu lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cảng biển chiến lược Cam Ranh, cảng Cà Ná đang được hình thành và sân bay quốc tế Cam Ranh. Chính sự hội tụ về hạ tầng này sẽ giúp bất động sản, đặc biệt phân khúc bất động sản đô thị và nghỉ dưỡng sẽ trở thành lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ nhất sau sáp nhập. Đồng thời, đây cũng là động lực chiến lược cho một chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản ở địa phương.
Song song với đó, làn sóng chuyên gia trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo đang dịch chuyển mạnh về khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, thương mại và dịch vụ. Điều này, cũng tạo thêm nhiều dư địa tăng giá cho thị trường bất động sản tại đây.
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho rằng, việc sáp nhập sẽ hướng tới tái cấu trúc quy hoạch vùng, hình thành một trung tâm hành chính - kinh tế - du lịch mới với quy mô lớn. Tỉnh mới có quỹ đất rộng lớn, giá đất còn ở mức hợp lý và chính sách thu hút đầu tư cởi mở. Đây chính là dư địa quan trọng để thị trường bất động sản phát triển theo hướng bền vững, đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.