Đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền vi phạm giao thông

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông và nhiều lĩnh vực khác có thể tăng gấp đôi tại Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những điểm nổi bật của dự luật là đề xuất nâng mức xử phạt hành chính tại các đô thị lớn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh.

Cụ thể, với địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế, mức phạt tiền có thể cao hơn so với mức phạt chung, nhưng tối đa không vượt quá 2 lần. Việc tăng mức xử phạt áp dụng trong các lĩnh vực như: giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự - an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và an toàn thực phẩm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, đề xuất này nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước tại các khu vực đô thị đông dân, nơi tình trạng vi phạm hành chính thường diễn biến phức tạp và có nguy cơ cao hơn so với các địa bàn khác.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc bổ sung riêng quy định về Hà Nội là không cần thiết, bởi Luật Thủ đô năm 2024 đã cho phép thành phố này áp dụng mức xử phạt hành chính cao hơn trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, dù không ghi rõ trong luật sửa đổi lần này, Hà Nội vẫn có cơ sở pháp lý để áp dụng mức xử phạt riêng.

Với các thành phố trực thuộc Trung ương còn lại, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo việc tăng mức xử phạt là hợp lý, khả thi và không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Ngoài lĩnh vực giao thông, dự luật cũng bổ sung một số lĩnh vực mới có thể áp dụng mức phạt tiền cao như: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (mức phạt tối đa 30 triệu đồng); công nghiệp công nghệ số và dữ liệu (tối đa 100 triệu đồng); quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (tối đa 500 triệu đồng).

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đề xuất trao thẩm quyền xử phạt hành chính của trưởng công an huyện cho trưởng công an xã mới, và tương tự với Chủ tịch UBND cấp xã. Đây là bước đi nhằm phù hợp với quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, hướng đến mô hình quản lý hai cấp: tỉnh và xã.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, trong giai đoạn chuyển tiếp khi các nghị định hiện hành chưa kịp điều chỉnh theo luật mới, việc nâng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng cấp xã là giải pháp cần thiết để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính không bị gián đoạn.

Một điểm đáng chú ý khác là Chính phủ đề xuất cho phép bán ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu hết thời hạn mà không có người đến nhận hoặc không xác định được chủ sở hữu. Việc bán sẽ áp dụng đối với các phương tiện, tang vật có thời hạn sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ cháy nổ.

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đồng tình với đề xuất này, cho rằng đây là giải pháp giảm tình trạng tồn kho, quá tải kho bãi và lãng phí tài sản công. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý cần rà soát kỹ để bảo đảm thống nhất với các quy định hiện hành liên quan đến tiêu hủy tang vật nguy hại.

Việc tăng mức xử phạt hành chính tại các đô thị lớn có thể tạo ra công cụ quản lý mạnh mẽ hơn trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, áp lực giao thông và môi trường ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có đánh giá toàn diện để đảm bảo không phát sinh bất công hoặc tạo gánh nặng cho người dân.

Việc áp dụng mức phạt cao hơn cần được hướng dẫn chi tiết, tránh lạm dụng hoặc hiểu sai trong quá trình thực thi, đặc biệt tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Duy Tuấn

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/tang-gap-doi-muc-phat-tien-vi-pham-giao-thong-202505152307516195.html