Đề xuất tăng mức hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện

Tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều đề xuất để tăng sức hút nhằm gia tăng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội.

 ĐBQH đề xuất BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh BHXH

ĐBQH đề xuất BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh BHXH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 02 năm 2019-2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng việc triển khai thực hiện BHXH tự nguyện, năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 1,12 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019.

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,33%. Như vậy, con số này đã vượt xa kế hoạch đề ra và gần bằng kế hoạch đến năm 2025.

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu cùng cho rằng, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn nhiều hạn chế, trong khi dư địa phát triển còn rất lớn. Nguyên nhân tình trạng ngày là các chế độ được thụ hưởng từ BHXH tự nguyện còn chưa hấp dẫn với người lao động.

Đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Đặc biệt là với lao động khu vực phi chính thức, lao động trẻ, lao động nữ rất cần hưởng những chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, thì loại hình bảo hiểm này lại không có, mà chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, thời gian đóng dài; mức đóng còn thấp, nên mức hưởng trong tương lai thấp sẽ không đảm bảo được mức sống cho người lao động khi về già…

Tổng số tiền thu BHXH tự nguyện năm 2020 là 3.969 tỷ đồng. Tổng số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 là 137,6 tỷ đồng.

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, trong năm 2020, tuy số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng cao nhưng vẫn còn tới 66,5% người lao động chưa tham gia BHXH. Đây chính là dư địa phát triển lớn cho BHXH phát triển.

Để đạt được mục tiêu như Nghị quyết 28 đã đề ra, theo đại biểu Lò Thị Luyến, rất cần cả hệ thống chính trị - xã hội vào cuộc để thúc đẩy số lượng người tham gia BHXH, BHXH tự nguyện, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, kết quả tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất xa so với tiềm năng. Mặc dù một số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ mức đóng. Cùng với đó, phương thức đóng BHXH linh hoạt, đa dạng mức đóng nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được người lao động tham gia. Thậm chí, vẫn có không ít người dân không biết có chính sách này; không phân biệt được BHXH với các loại hình bảo hiểm thương mại…

Theo đại biểu này, hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực lao động tự do, nông dân, khu vực phi chính thức.

Để việc tuyên truyền đến tận ngõ xóm, bản làng và từng hộ dân, đại biểu Lò Thị Luyến kiến nghị BHXH Việt Nam tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân. Đặc biệt là BHXH tại các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động tuyên truyền đến tận từng hộ dân, người dân.

Cùng với đó, đại biểu Luyến cũng kiến nghị đa dạng hơn nữa chính sách thụ hưởng BHXH tự nguyện; tăng cường mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện đối với hộ nghèo, cận nghèo, bởi mức hỗ trợ hiện nay thì họ vẫn không đủ sức tham gia.

ĐBQH thảo luận từ điểm cầu tỉnh Vĩnh Long

ĐBQH thảo luận từ điểm cầu tỉnh Vĩnh Long

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Trang, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thi hành luật BHXH, qua đó đề xuất sửa đổi Luật BHXH để phù hợp hơn nữa trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi. Trong đó mở rộng đối tượng tham gia BHXH, giảm thiểu tình trạng hưởng BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Minh Trang cũng đề nghị, trước mắt tăng mức hỗ trợ với người tham gia BHXH tự nguyện để khuyến khích người lao động, lao động yếu thế có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm.

Tiếp thu và làm rõ một số ý kiến của ĐBQH, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Từ 1995 đến nay, BHXH đã có sự phát triển tương đối nhanh, cơ bản đáp ứng theo thông lệ quốc tế về hệ thống an sinh xã hội với 8/9 loại hình bảo hiểm. Đến nay, BHXH từng bước trở thành trụ cột an sinh xã hội, phòng ngừa rủi ro cho người lao động.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu về những tồn tại, hạn chế trong triển khai, thực hiện chính sách BHXH, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan sẽ đề xuất việc sửa đổi Luật BHXH; Luật Việc làm; thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH, trong đó có một số nội dung đã tiến hành như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, lương hưu độc lập tương đối với ngân sách…

Đồng thời tập trung một số nội dung cơ bản như phát triển hệ thống BHXH đa tầng; sửa đổi mức thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm, tiến tới còn 10 năm; phát triển bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng; bình đẳng; phát triển bền vững.

Điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần; phát triển lực lượng lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH; đa dạng hóa loại hình bảo hiểm, tăng tính hấp dẫn thu hút người lao động tham gia; chú trọng công tác tuyên truyền…

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đề xuất với Quốc hội tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH; đồng thời giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết dư của các Quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch…

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-tang-muc-ho-tro-nguoi-lao-dong-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-20211027171721241.htm