Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Đề xuất tăng mức xử phạt đối với các hành vi gây mất an toàn thực phẩm thể hiện sự quyết liệt trong cuộc chiến chống thực phẩm 'bẩn'. Tuy nhiên, làm thế nào phát huy một cách hiệu quả các chế tài, nâng cao tính răn đe của các quy định pháp luật.

Vừa qua, Bộ Y tế và Bộ Công an vừa họp bàn xem xét tăng chế tài xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, hai bộ dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có nội dung về tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm an toàn thực phẩm, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Chống thực phẩm bẩn cần sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng

Chống thực phẩm bẩn cần sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng

Đáng chú ý, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định: "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng (quy định hiện hành là từ 100 triệu đến 500 triệu) thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 193).

Tại Khoản 5 Điều 193 Dự thảo quy định "Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 200 triệu đồng. Mức phạt đề xuất áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng tăng từ mức tối thiểu 1 tỷ lên 2 tỷ đồng và mức phạt tối đa tăng từ 18 tỷ lên 36 tỷ đồng.

Đề xuất sửa đổi điều 317 Bộ luật Hình sự, trong đó đáng chú ý là tăng mức phạt tiền lên đến 3 tỉ đồng, phạt tù tối thiểu nâng từ 1 năm lên 3 năm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đối với các hành vi nghiêm trọng như sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên- chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc tăng mức xử phạt là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của người dân và các lực lượng hiện nay so với trước đây đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những đối tượng đề cao lợi nhuận, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng mà vẫn cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm qua mắt các lực lượng chức năng hoặc cố tình vi phạm, kết hợp với nhau tạo thành những nhóm có tổ chức, đường dây từ khâu tổ chức sản xuất đến kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Cho nên công cuộc đấu tranh xử lý vi phạm là việc làm thường xuyên, liên tục của các ngành chức năng có liên quan và chính quyền địa phương”, ông Nhiên khẳng định.

Để gia tăng sức răn đe đối với hành vi gây mất an toàn thực phẩm ngoài việc quy định trong luật theo ông Nguyễn Văn Nhiên, việc triển khai trong thực tế cần phải thực hiện một cách nghiêm túc.

“Ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật đến tất cả các nhóm đối tượng trong xã hội, đồng bộ tất cả ngành, chức năng có liên quan. Sự vào cuộc của các lực lượng quản lý về an toàn thực phẩm của ngành y tế, nông nghiệp, công an, quản lý thị trường… Và tôi vẫn nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương các cấp trong việc nâng cao nhận thức và ý thức của người sản xuất kinh doanh nhập khẩu”, ông Nhiên chia sẻ.

Theo ghi nhận, không ít người dân bày tỏ sự đồng tình với đề xuất tăng nặng mức xử phạt. Như bà Nguyễn Thị Lan, một người nội trợ, 56 tuổi, sống tại Hải Dương luôn phải băn khoăn trong việc lựa chọn thực phẩm bởi mỗi lần đi chợ, bà không thể biết đâu là thực phẩm sạch và an toàn, khi mua về sử dụng, lỡ sức khỏe có gặp phải vấn đề gì cũng không biết kêu ai. Vì thế, bà Lan cho rằng, đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm là điều cần thiết.

“Đương nhiên là bây giờ quyền lợi sát sườn, cứ gõ vào kinh tế là cứ phạt vào tiền thì người kinh doanh, sản xuất thực phẩm sẽ ý thức hơn về việc cần phải đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Lan nói.

Không dừng lại ở việc tăng mức xử phạt hành chính, người dân còn mong muốn các quy định pháp luật cần nghiêm khắc hơn nữa đối với những trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, như chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Quân - nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: “Bên cạnh về kinh tế thì sẽ phải đánh mạnh vào phạt tù vì hành vi này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một người mà là rất nhiều người. Bên cạnh xử lý hình sự cần có một cơ chế yêu cầu bồi thường thích đáng cho những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thực phẩm bẩn”.

Trước mức đề xuất xử phạt cao, anh Vũ Trung Nguyên, 27 tuổi, chủ một quán cơm gà tại Hà Nội cũng bày tỏ sự lo lắng khi những tiểu thương kinh doanh vừa và nhỏ như mình có thể vô tình vi phạm khi chưa kịp cập nhật các các quy định mới về an toàn thực phẩm. Vì thế, anh Nguyên mong muốn cơ quan chức năng hay chính chuyền địa phương có thể hỗ trợ thông tin đối với người kinh doanh như tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật kịp thời.

Phương Trang, Việt Anh/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/de-xuat-tang-muc-xu-phat-vi-pham-an-toan-thuc-pham-post1193813.vov