Đề xuất tăng quyền lợi cho lao động nữ trong chế độ thai sản

Tại Hội thảo 'Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ' vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), nhiều đại biểu cho rằng cần tăng thêm quyền lợi cho lao động nữ trong quy định về chế độ thai sản.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác Nữ công Công đoàn. Trong những năm qua, tổ chức Công đoàn đã không ngừng nỗ lực trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ đối với lao động nữ và trẻ em thông qua nhiều hoạt động thiết thực.

Ông Ngọ Duy Hiểu mong muốn sẽ thu được những ý kiến chất lượng, đảm bảo tính thiết thực, trọng tâm, trọng điểm, là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách về bảo hiểm xã hội phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới. Đặc biệt là quy định về chính sách thai sản trong Luật Bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội một lần, chế độ hưu trí, một số vấn đề khác liên quan đến quyền đặc thù của lao động nữ.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, dự thảo Luật hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần phải tháo gỡ khiến nhiều nhóm lao động nữ, nhất là nữ lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quy định là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bà Hương cho biết thêm, hạn chế lớn nhất của chế độ thai sản theo quy định của dự thảo Luật là chỉ có người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản; trong khi hiện tại, tỷ lệ bao phủ của chính sách này rất thấp, chỉ 30% phụ nữ đang làm việc được hưởng chế độ thai sản. Do đó, bà Hương đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này.

"Trong khi nhu cầu tham gia về bảo hiểm thai sản của phụ nữ rất lớn và mức thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn lao động chính thức. Việc hỗ trợ đề xuất 2 triệu đồng/trường hợp là không thể chấp nhận được, nó quá chênh lệnh so với mức bảo hiểm thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc", bà Hương cho biết.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG TaeKwang Vina phát biểu tại Hội thảo.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG TaeKwang Vina phát biểu tại Hội thảo.

Là một doanh nghiệp có hơn 33.000 lao động với 86% là nữ, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TKG TaeKwang Vina (Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, thời gian qua nhiều lao động nữ chỉ đóng bảo hiểm xã hội được 4 hoặc 5 tháng trước khi sinh con nên theo luật thì họ không được hưởng các chế độ thai sản. Trong khi đó, quy định hiện nay: "Lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi" thì được hưởng chế độ thai sản.

Ông Phúc kiến nghị lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội không đủ 6 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản theo số tháng đóng, như vậy mới hỗ trợ được cho họ trong giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, việc quy định trong 1 thai kỳ chỉ được nghỉ việc khám thai 5 lần là quá ít, trong khi thực tế các bác sĩ thường yêu cầu 1 tháng khám 1 lần, đối với các trường hợp phức tạp có thể nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM cũng cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay đang còn bất cập trong quy định về vấn đề lao động nữ đi làm sớm hơn so với thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP.HCM đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

"Luật Bảo hiểm xã hội quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu buộc lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 4 tháng tức là phát sinh thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội vì vậy rất thiệt thòi cho lao động nữ", ông Triều dẫn chứng.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng có ý kiến rằng việc quy định chế độ đi khám thai chỉ được 5 lần là chưa đủ, mà cần phải đảm bảo lao động nữ được khám cả thai kỳ, nhất là những trường hợp bác sĩ chỉ định khám nhiều hơn, thì cũng cần được hỗ trợ theo chế độ.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-tang-quyen-loi-cho-lao-dong-nu-trong-che-do-thai-san-168328.html